Triều Tiên ngừng phát triển tên lửa tầm xa?
Bức ảnh vệ tinh chứng minh quá trình xây dựng tại trạm phóng vệ tinh Tonghae đang bị trì hoãn |
Việc ngừng thi công khu vực phục vụ các vụ phóng tên lửa tầm xa có quy mô lớn và hiện đại hơn tại trạm phóng vệ tinh Tonghae trong vòng 8 tháng qua là dấu hiệu cho thấy quốc gia cô lập đang trì hoãn hoặc thậm chí ngừng toàn bộ chương trình phát triển tên lửa.
Trang mạng 38 North – website của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Trường Johns Hopkins cho rằng các bức ảnh chụp từ vệ tinh đã thể hiện hình ảnh những con đường dẫn tới bãi phóng vẫn chưa được hoàn thiện và xung quanh tòa nhà lắp ráp tên lửa mới quy mô lớn cỏ cũng đã bị mọc um tùm.
Theo 38 North, khả năng công việc xây dựng bệ phóng, xưởng lắp ráp tên lửa và trung tâm kiểm soát vụ phóng tại trạm phóng vệ tinh Tonghae mới chỉ bị trì hoãn tạm thời.
Tuy nhiên, sau khi phân tích những bức ảnh vệ tinh được chụp hôm 26/5, giới phân tích đã đưa ra những giả thuyết khác nhau.
Thứ nhất, lực lượng quân đội chịu trách nhiệm thi công và vận chuyển thiết bị được điều động tới trạm phóng vệ tinh Tonghae hồi năm ngoái để khắc phục hậu qua sau những trận mưa lớn, nay đã di dời tới những khu vực khác.
Thứ hai, khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã quyết định tập trung hiện đại hóa trạm phóng tên lửa Sohae thuộc khu vực bờ biển phía tây bắc Triều Tiên, nhằm hỗ trợ việc phát triển các thế hệ tên lửa quy mô lớn hơn. Trạm Sohae từng là nơi thực hiện các vụ phóng tên lửa hồi tháng Tư và tháng Mười Hai năm ngoái.
Song việc ngừng thi công trạm phóng vệ tinh Tonghae đã phần nào ám chỉ quyết định trì hoãn hoặc ngừng sản xuất các thế hệ tên lửa lớn hơn của Bình Nhưỡng.
"Nếu Bình Nhưỡng bỏ rơi các cơ sở phục vụ phóng tên lửa quy mô lớn và mới chỉ được khởi công xây dựng từ năm 2011, đây sẽ là quyết định quan trọng ảnh hưởng tới chương trình vũ trụ và phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của Triều tiên", Joel Wit – cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kiêm tổng biên tập trang 38 North, nhận định.
Hiện nay, Washington đang theo sát diễn biến chương trình phát triển tên lửa bí mật của Triều tiên do lo ngại vũ khí của Bình Nhưỡng có thể tấn công vào khu vực đất liền của Mỹ.
Giới phân tích khẳng định chưa có dấu hiệu hoạt động, di chuyển thiết bị và xuất hiện của nhân viên tại bãi phóng Tonghae. Bởi cỏ đã mọc xung quanh khu nhà lắp ráp tên lửa và con đường vận chuyển thiết bị cũng như đưa các thế hệ tên lửa quy mô lớn tới bãi phóng vẫn chưa được hoàn thiện.
Thậm chí, nếu Triều Tiên có tái khởi động xây dựng trạm phóng Tonghae thì quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất cũng sẽ kéo dài tới năm 2017 – lùi lại 1 năm so với dự kiến ban đầu.
Hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều tiên – Kim Jong-un đã tuyên bố chắc chắn tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân và mở rộng nền kinh tế trong nước.
Kể từ năm 2006, Triều Tiên đã thực hiện 3 vụ thử nghiệm hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm xa, gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Song phía Bình Nhưỡng tuyên bố các vụ phóng tên lửa chỉ nhằm mục đích hòa bình đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Phản ứng trước lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc sau cuộc thử nghiệm hạt nhân hồi tháng Hai và vụ phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã nhiều lần đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân nhắm tới Washington và Seoul.