Triều Tiên muốn dùng tên lửa để mặc cả vô điều kiện với Donald Trump
Cái chết của người đàn ông được cho là Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng với việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên trong cả năm 2017 và mới nhất là vụ phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản, cho thấy đã đến lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump cần có hành động để chấm dứt tình trạng leo thang căng thẳng trong khu vực.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, đưa ra phản ứng như thế nào để ngăn chặn Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích lại là bài toán khó đặt ra với chính quyền của ông Trump. Bởi trước đó, những nỗ lực của nhà các lãnh đạo khu vực bao gồm Trung Quốc như đưa ra lệnh trừng phạt hay gây sức ép quân sự cũng không phát huy tác dụng.
Triều Tiên muốn dùng hành động khiêu khích để buộc Mỹ phải nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán. |
Ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã bày tỏ ý định tiến hành đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không đưa ra bất cứ điều kiện trước nào. "Có chuyện gì với việc đàm phán vậy? Rõ ràng, Bình Nhưỡng đã kêu gọi đàm phán sau khi chính sách của Tổng thống Obama về việc giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng cách áp đặt trừng phạt và gây sức ép với Trung Quốc để kiềm chế ông Kim Jong-un, đã thất bại", ông Trump nói.
Song gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Barack Obama. Cụ thể, Mỹ sẽ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân trước sau đó mới tiến hành đàm phán.
Tuy nhiên, khác với thời chính quyền của Tổng thống Obama, mối đe dọa từ Triều Tiên đối với ông Trump có phần lớn hơn. Bởi nhiều khả năng, Bình Nhưỡng đang trong quá trình phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Theo giới phân tích, ông Kim Jong-un đang dùng chính những hành động khiêu khích gần đây để buộc chính quyền của Tổng thống Trump nhượng bộ và tiến hành đàm phán.
"Triều Tiên cho rằng quyết định ẩn mình sẽ không mang lại tác dụng và việc hành xử theo lý cũng không giúp Mỹ có quan điểm khác với Bình Nhưỡng. Theo tôi, Triều Tiên muốn tiến hành đàm phán. Triều Tiên hiểu rằng Washington đang cân nhắc các chính sách mới với Bình Nhưỡng. Do đó, họ muốn hai bên ngồi vào bàn đàm phán", Phó giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul, ông John Delury nhận định.
Hai tháng cuối năm 2016 là khoảng thời gian Triều Tiên "nghỉ ngơi" sau khi cho phóng tới 24 quả tên lửa và thực hiện 2 vụ thử hạt nhân trong năm.
"Những nỗ lực theo phương pháp cây gậy và củ cà rốt trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Obama nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đều đã thất bại", cựu quan chức Ngoại giao Mỹ, ông Joel Wit thừa nhận trên tạp chí The Atlantic hồi tháng 11/2016.
Về phần mình, ngay từ đầu năm 2017, ông Trump đã có những tuyên bố ám chỉ việc thay đổi chính sách của cựu Tổng thống Obama với Triều Tiên. Dù không công bố rõ kế hoạch song ông Trump vẫn nhấn mạnh ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển được loại tên lửa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Ông Trump còn cáo buộc Trung Quốc chưa gây đủ sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Theo AP, hành động khiêu khích từ Triều Tiên đã đạt tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, trong bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Triều Tiên cho rằng chính cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn bắt đầu từ đầu tháng Ba, là lời cảnh bảo về việc bán đảo Triều Tiên sắp bị nhấn chìm trong "thảm họa hạt nhân".
Triều Tiên gây náo loạn khu vực
Vụ phóng thử 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3 của Triều Tiên đã khiến giới chức Mỹ - Nhật – Hàn nhanh chóng tiến hành điện đàm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với bài toán khó tìm cách ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên. |
Thậm chí, hôm 7/3, cả Triều Tiên và Malaysia đều có những hành động đáp trả ngoại giao như cấm công dân mỗi nước rời khỏi nước sở tại. Trước đó, đại sứ hai nước cũng đã bị trục xuất về nước. Nguyên nhân xuất phát từ những tranh cãi liên quan tới cái chết của một công dân Triều Tiên được cho là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam ở sân bay của Malaysia hôm 13/2. Sau khi Bình Nhưỡng đưa ra lệnh cấm công dân Malaysia về nước, Thủ tướng Najib Razak còn cáo buộc Triều Tiên "dùng công dân Malaysia làm con tin".
Theo giới chức Malaysia, ông Kim Jong-nam đã bị hai người phụ nữ đứng đằng sau chụp chiếc khăn tẩm chất độc thần kinh VX vào mặt ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2. Chỉ 20 phút sau, ông Kim Jong-nam đã qua đời mà chưa kịp tới bệnh viện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nhấn mạnh Triều Tiên sẽ "phải lĩnh hậu quả khủng khiếp" vì các hành động khiêu khích. Mỹ cũng khẳng định giữ nguyên cam kết ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cụ thể, ngay trong tối ngày 6/3, Mỹ đã cho triển khai những thiết bị đầu tiên thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc bất chấp Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.Trong khi Mỹ nhấn mạnh THAAD đơn thuần chỉ là thiết bị bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối và coi đây là hành động làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Đáp trả trước hành động của Hàn Quốc, Trung Quốc đã cho đóng cửa khoảng 40 cửa hàng bán lẻ của LOTTE sau khi tập đoàn này đồng ý nhượng lại sân golf để chính phủ Hàn Quốc triển khai THAAD. Thậm chí, Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm đưa du khách đại lục sang Hàn Quốc.