Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa tầm xa là do sợ Mỹ và đồng minh 'coi thường',
Từ lầu, những thông tin về chương trình vũ khí của Triều Tiên rất khó xác nhận, và các cơ quan chính phủ cũng như các chuyên gia quân sự phần lớn đều phụ thuộc vào ảnh chụp vệ tinh, mẫu nguyên tử thu thập được cùng rất nhiều mảnh vỡ tên lửa của Triều Tiên.
Một động cơ tên lửa đang được thử nghiệm tại Trung tâm Vũ trụ Sohae, phía Bắc Triều Tiên. Ảnh do hãng tin quốc gia Triều Tiên KCNA tiết lộ. |
Thế nhưng, chỉ trong vòng 1 tháng qua, Triều Tiên đã cho đăng tải những bài viết đi kèm với ảnh màu nêu rõ chi tiết các cuộc thử nghiệm vũ khí, cho thấy nước này đang gấp rút chế tạo một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của việc tiết lộ thông tin trên là bởi Bình Nhưỡng tin rằng họ cần phải làm cho người dân cũng như thế giới tin vào sức mạnh của vũ khí hạt nhân. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa rõ khả năng thực sự của các loại tên lửa tầm xa cũng như ý định của Triều Tiên.
Tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên |
“Những tấm ảnh chụp trực tiếp các hoạt động thử nghiệm vũ khí trước đây chưa bao giờ được Triều Tiên công bố”, ông John Schilling, một kỹ sư vệ tinh và động cơ đẩy tên lửa trả lời hãng tin Reuters. Trong vòng 10 năm qua, quốc gia này đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân bốn lần, lần gần đây nhất là vào tháng 1 vừa qua.
“Động thái này của Triều Tiên là một chiến lược quân sự nhưng cũng mang mục đích ngoại giao. Đối với Bình Nhưỡng, điều quan trọng nhất là các nước trên thế giới tin rằng họ có những loại vũ khí hạt nhân lợi hại”, ông Schilling nói.
Theo những thông tin mới nhất, đất nước này vừa thử nghiệm thành công một loại động cơ tên lửa tầm xa mới. Từ những ảnh chụp được đăng tải, các chuyên gia cho biết đó là hai động cơ tên lửa R-27 của Liên Xô được lắp sát nhau.
Tuyên bố trên của Triều Tiên cho thấy nước này không có ý định ngừng các hoạt động phát triển vũ khí của mình, mặc dù Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt mới và Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đã lên tiếng cảnh báo.
Ông Michael Elleman, một chuyên gia về động cơ tên lửa của Mỹ cho biết: “Những tiết lộ và các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên dường như là nhằm khẳng định rằng nước này đang có hoặc sẽ sớm có một loại tên lửa tầm xa có thể đe dọa lãnh thổ nước Mỹ”. Những hoạt động này sẽ còn được các giám sát viên Liên Hợp Quốc theo dõi chặt chẽ trong tương lai.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Trung tâm Vũ trụ Sohae. |
Hiện đang ngày càng có nhiều chuyên gia vũ khí thế giới tin rằng sức công phá của các loại vũ khí của Triều Tiên có thể đã mạnh hơn trước đây. Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng có thế sẽ sở hữu một loại tên lửa xuyên lục địa thô sơ nhưng lợi hại “vào cuối thập kỷ này.”
Ông Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (University of North Korean Studies) tại Seoul cho biết, việc công bố hoạt động của các chương trình trên sẽ gây sự bất an đối với các nước xung quanh và Mỹ, đồng thời đạt được mục đích tuyên truyền cho người dân Triều Tiên trước thềm Đại hội Đảng.
“Thông thường hoạt động phát triển vũ khí luôn được giữ rất kín”, ông Yang cho biết. “Nhưng ông Kim Jong-un đã chứng kiến việc Hàn Quốc và Mỹ coi thường lực lượng quân đội Triều Tiên nên giờ đây ông này muốn gây thêm nỗi bất an đối với các nước”.
Ông Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân trong tương lai. Một số chuyên gia cho biết sự kiện này có thể diễn ra ngay trước khi Đại hội Đảng bắt đầu, cho phép ông Kim có thể tuyên bố chính sách phát triển kinh tế song song chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Kim cũng phát biểu vào tháng 3 rằng Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để lắp lên tên lửa. Các báo đăng một tấm ảnh chụp một vật thể hình cầu và ông Kim đứng tươi cười trước một quả tên lửa xuyên lục địa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.