Triều Tiên là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ?
Cộng đồng quốc tế tỏ ra bất ngờ trước vụ phóng tên lửa Unha-3 của Triều Tiên hôm 12/12 |
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù Triều Tiên vẫn đang "loay hoay" với những thách thức kỹ thuật trong việc xây dựng, điều chỉnh và vận chuyển chính xác lượng chất nổ hạt nhân tầm xa, song vụ phóng hôm thứ Tư đã đánh dấu bước nâng cấp vượt bậc trong tiềm năng quân sự chiến lược của quốc gia vốn bị cô lập này.
"Vụ phóng hôm 12/12 là sự khẳng định cho tuyên bố Triều Tiên sở hữu các thế hệ tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ", James Schoff – cựu nhân viên Lầu Năm Góc nói.
Trong khi đó, hồi tháng 10, Triều Tiên đã tuyên bố sở hữu loạt tên lửa có khả năng tấn công vào khu vực đất liền của Mỹ - một lời đe dọa được xem là "khoa trương" trong thời điểm bấy giờ.
Masao Okonogi - giáo sư chính trị Hàn Quốc tại Đại học Keio nhận định vụ phóng hôm 12/12 sẽ đưa Triều Tiên trở thành "mối quan ngại hàng đầu" trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Washington.
"Đưa một vệ tinh lên quỹ đạo đồng nghĩa với việc quốc gia đó sở hữu công nghệ mang đầu đạn tới một mục tiêu đã định. Hiện nay, Triều Tiên không chỉ trở thành mối đe dọa với các quốc gia láng giềng trong khu vực mà còn cả với Mỹ. Câu hỏi đặt ra là tên lửa của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo như đã định hay đã bị lạc hướng", ông Okonogi chia sẻ.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ sẽ phải mất một thời gian để phân tích chi tiết vụ phóng hôm 12/12 của Triều Tiên mà Bình Nhưỡng tuyên bố phục vụ mục đích khoa học "trong sáng", song lại bị nghi ngờ là một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo trá hình.
Quá trình thu nhỏ một vũ khí hạt nhân vào đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo được xem là một thách thức kỹ thuật cực lớn và quan trọng hơn là việc đưa tên lửa vươn tới được mục tiêu đã định một cách chính xác.
Mặc dù chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn nằm trong vòng bí mật tuy nhiên quốc gia cô lập này đang sở hữu lượng plutonium đủ để chế tạo từ 6 - 8 quả bom nguyên tử.
Ralph Cossa – nguyên thượng tá Không quân Mỹ nhận định: "Mỹ không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải công nhận Triều Tiên là mối đe dọa hiện hữu".
Vụ phóng hôm 12/12 được xem là một hành động mang động cơ chính trị khi nhà lãnh đạo Kim Jung-un quyết tâm tiến hành vụ phóng trước thời điểm kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố chủ tịch Kim Jong-Il (17/12).
Vụ phóng tên lửa thất bại hồi tháng 4 đã khiến Triều Tiên cảm thấy "xấu hổ" khi mời giới truyền thông quốc tế tới chứng kiến sự kiện này.
Ngay trong chiều 12/12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp để đưa ra phản ứng trước hành động Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3. Trong đó, Mỹ và các quốc gia đồng minh yêu cầu Hội đồng Bảo an tăng cường thêm các lệnh trừng phạt hiện đang được thi hành sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009.
Song những quyết định trên lại đang vấp phải sự phản đối của Trung Quốc – một đồng minh thân cận và nhà tài trợ chính cho Triều Tiên. Mặc dù trước đó, Trung Quốc đồng thuận với ý kiến của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Triều Tiên hoãn tiến hành vụ phóng tên lửa, song nhấn mạnh các bên liên quan cần tránh "đổ thêm dầu vào lửa".