Triều Tiên không phản ứng sau cáo buộc sát hại quan chức Hàn Quốc
Truyền thông Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào liên quan tới cáo buộc bắn chết một quan chức Hàn Quốc bị mất tích trên biển hồi đầu tuần.
Hôm 24/9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận các binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết một quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Thủy sản và Đại dương Hàn Quốc, sau đó còn đốt xác người này ở biên giới trên biển của hai nước trên biển Hoàng Hải.
Theo Yonhap, quan chức Hàn Quốc bị mất tích trong quá trình làm nhiệm vụ ngoài khơi phía tây đảo Yeonpyeong. Người này đã bất ngờ biến mất khỏi con tàu trọng tải 500 tấn vào trưa ngày 21/9. Vào thời điểm đó, con tàu của Hàn Quốc đang tiến hành tuần tra quanh khu vực 10 km thuộc phía nam Đường giới hạn phía bắc (NLL), đường biên giới trên biển giữa Hàn – Triều.
Binh lính Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Những người có mặt trên tàu cho hay, họ chỉ tìm thấy đôi giày của quan chức mất tích ở lại trên tàu và đã báo cáo sự việc cho lực lượng hải cảnh. Sau đó, Hàn Quốc đã huy động khoảng 20 tàu và máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm vị quan chức mất tích.
Thông tin được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố đã khiến dư luận nước này dậy sóng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi đây là “sự việc gây sốc và không thể tha thứ dù với bất cứ lý do gì”. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng đã yêu cầu Triều Tiên đưa ra lời xin lỗi và trừng phạt những người liên quan tới hành động tàn ác.
Tuy nhiên, tới sáng nay (25/9), truyền thông Triều Tiên bao gồm tờ Rodong Sinmun và hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng không nhắc gì tới vụ bắn chết quan chức Hàn Quốc trên biển.
Cụ thể, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, chỉ đưa thông tin về những nỗ lực trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19 mà không nhắc tới lời cáo buộc từ phía Seoul.
Hiện chưa rõ liệu Triều Tiên có đưa ra phản ứng gì vào thời điểm này hay không khi mà mối quan hệ liên Triều Tiên vẫn đang rơi vào bế tắc, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 2/2019 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un kết thúc nhưng không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Thậm chí, quan hệ Hàn – Triều còn rơi vào căng thẳng hồi tháng Sáu sau khi Bình Nhưỡng cho đánh sập văn phòng liên lạc giữa hai nước nằm ở thành phố biên giới Kaesong, cũng như cắt đứt mọi đường dây liên lạc sau cáo buộc Seoul không thể ngăn chặn hoạt động rải truyền đơn chống phá Triều Tiên.
Vào năm 2008, một nữ du khách Hàn Quốc đã bị bắn chết ở Triều Tiên sau khi xuất hiện trong vùng cấm tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Ngay sau vụ việc, Triều Tiên đã có phản ứng. Sau một ngày xảy ra vụ nổ súng, Triều Tiên đã bày tỏ sự thương tiếc trước nạn nhân, nhưng không đưa ra lời xin lỗi.
Còn theo trang web theo dõi hàng không dân sự Aircraft Spots, vào ngày 22/9, một chiếc máy bay RC-135S Cobra Ball của Mỹ đã “thực hiện sứ mệnh trên biển Hoàng Hải” đúng thời điểm binh sĩ Triều Tiên được cho bắn chết quan chức Hàn Quốc bị mất tích. Đáng nói, máy bay Mỹ đã thực hiện hành trình bay khá phức tạp và bất thường trong khu vực vào thời điểm đó.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay lời cáo buộc các binh sĩ Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc được đưa ra sau khi cơ quan này phân tích nhiều nguồn tin tình báo. Một quan chức quân đội Hàn Quốc khẳng định, Seoul sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ để làm rõ sự việc trên.
Mỹ thường điều động máy bay RC-135S Cobra Ball cùng các loại máy bay tình báo khác hoạt động phía trên bán đảo Triều Tiên để làm nhiệm vụ giám sát và thu thập thông tin về Triều Tiên.
Thực hư quan chức Hàn Quốc mất tích để đào tẩu sang Triều Tiên?
Quan chức Hàn Quốc mất tích trên biển hồi đầu tuần được cho đã bị bắn chết trong quá trình đào tẩu sang Triều Tiên.
Minh Thu (lược dịch)