Triều Tiên không phải là nước duy nhất dùng vũ khí "đồ chơi"
Cựu quan chức tình báo Mỹ, Michael Pregent cho Fox News biết một số khẩu súng xuất hiện trong buổi lễ diễu binh hôm 15/4 của Triều Tiên thật là “nực cười” và “không thật”. Tuy nhiên, theo BBC, giả vờ phô diễn sức mạnh là một biện pháp đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh từ nhiều thập kỷ qua, và nó đã rất hiệu quả trong nhiều trường hợp.
Triều Tiên bị cáo buộc dùng vũ khí giả trong lễ diễu binh 15/4. Nguồn: BBC |
James Hannah, trợ lý Chương trình Asia tại Viện nghiên cứu Chatham House, nhận định: “Căng thẳng đang bị “đổ thêm dầu vào lửa” bởi Tổng thống Trump. Bởi vì Tổng thống Mỹ đã thề sẽ “giải quyết” mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên. Một số lượng nhỏ vũ khí giả chỉ là một phần, nhưng chúng ta đều biết rằng có hàng triệu binh lính ở Triều Tiên. Vấn đề ở đây không phải là Bình Nhưỡng nghĩ rằng họ có thể đánh bại Washington nhưng câu hỏi được đặt ra là họ có thể làm gì nếu bị tấn công. Một số tên lửa trong cuộc diễu binh đã cho thấy một năng lực mới của Triều Tiên”.
Ông James Hannah nói thêm rằng, dù có thật hay không, thì Bình Nhưỡng cũng muốn gửi một thông điệp rằng “chúng tôi đang đi trên con đường này, chúng tôi không thể dừng lại và chúng tôi sẽ không sợ các vị đâu”.
Lễ diễu binh Triều Tiên hôm 15/4. Nguồn: BBC |
BBC phân tích, chiêu thức “dùng vũ khí giả để đánh lạc hướng” quân địch đã được sử dụng trong các cuộc chiến trước đây. Ví dụ như bản vẽ có được từ Cơ quan lưu trữ quốc gia cho thấy nhiều kế hoạch dùng xe tăng làm từ tre trúc hoặc vải bạt. Đây là bản vẽ từ “trường ngụy trang”, một trung tâm để các sĩ quan, binh lính học được các kỹ thuật ẩn nấp, ngụy trang từ thời Thế chiến thứ nhất.
Loại vũ khí quân sự giả mạo này được thiết kế nhằm sử dụng trong các cuộc không kích, khiến các phi công quân địch nhầm lẫn xe tăng giả thành mục tiêu để tấn công, như vậy sẽ giảm thiểu được tối đa tổn thất.
Bản vẽ xe tăng giả trong Thế chiến thứ nhất. Nguồn: BBC |
Những phương pháp quân sự ngụy trang chiến lược quy mô lớn khác cũng được sử dụng để đánh lừa kẻ địch trong quá trình định vị mục tiêu. Các sĩ quan quân đội sẽ “ngồi trên máy bay hoặc khinh khí cầu nhìn xuống xem những mục tiêu tiềm tàng trông như thế nào khi nhìn từ trên không”.
Các nghệ sĩ quân đội Pháp thậm chí còn làm ra cả những con sông và kênh rạch giả để đánh lừa thị giác của quân địch. Những biện pháp này được dùng nhiều và rất có hiệu quả trong Thế chiến II.
Hàng nghìn xe tăng giả trong Thế chiến II
Những chiếc xe tăng làm từ cao su có thể thổi phồng đã được dùng với số lượng lớn ở khu vực bờ biển Kent và được triển khai đến phía bắc nước Pháp trong cuộc chiến tranh bắt đầu vào năm 1939.
Được sản xuất bởi công ty Dunlop, Mỹ, và mang đến Pháp trong các túi đựng gậy đánh bóng, ý tưởng xe tăng cao su này là nhằm khiến cho các chiến đấu cơ Đức “vãi đạn” vào các mục tiêu giả ở Pháp thay vì nhắm vào các lực lượng Anh.
Nhiều xe tăng làm từ cao su được dùng trong Thế chiến II. Nguồn: BBC |
Trong khi đó, lực lượng Lục quân số một của quân đội Hoa Kỳ có trụ sở ở hạt Kent, đông nam nước Anh là một đội quân đông đảo nhưng thực chất hoàn toàn là “tưởng tượng”. Họ thậm chí còn tạo ra các sóng radio giả để tạo sự hỗn loạn và bối rối cho quân địch.
Những khẩu súng làm từ thân cây được sơn cho giống màu súng thật. Nguồn: BBC |
Ngoài ra, trong các cuộc chiến ở thế kỷ 18 và 19, những khẩu súng làm từ thân cây rồi được sơn cho giống các khẩu súng thật cũng được sử dụng rất nhiều để đánh lừa quân thù và là một kế hoãn binh hiệu quả.
Binh lính Đức đang đẩy những chiếc xe tăng giả ra chiến trường trong những năm 1920. Nguồn: BBC |
Thậm chí, quân đội Nga cũng sử dụng phương pháp này. Thay vì cho nổ tung những chiếc xe tăng của quân đội mình, các phương tiện có thể làm phồng được vẫn được Moscow sử dụng cho đến tận năm 2010 để đánh lừa kẻ địch. Các chiến đấu cơ giả và thậm chí cả các trạm radar giả cũng được quân đội Nga tạo ra.