Triều Tiên đưa hơn 1.000 điệp viên sang Malaysia?
Giữa lúc Malaysia và Triều Tiên làm mọi cách để hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao sau những tranh cãi liên quan tới cái chết của một người đàn ông được cho là anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia hôm 13/2, mọi sự chú ý hiện tập trung vào sự có mặt của hơn 1.000 công dân Triều Tiên ở Malaysia.
Theo CNA, núp bóng dưới chiêu bài hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau, thực chất, sự xuất hiện của các công dân . Triều Tiên ở Malaysia là nhằm thiết lập một mạng lưới tình báo có hệ thống.
Cảnh sát Malaysia phong tỏađại sứ quán Triều Tiên. |
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nhiều người Triều Tiên làm công việc chuyên gia công nghệ thông tin hoặc nhân viên cho nhiều công ty ở thị trấn Cyberjaya của Malaysia. Câu trả lời là những người này đang cố tình thu thập thông tin và dữ liệu tình báo ngay tại Malaysia.
“Đây không phải là những người dân thường. Họ đã được chính phủ Triều Tiên huấn luyện đào tạo và chọn lựa để đưa ra nước ngoài làm việc. Trong khi được các công ty địa phương ở Malaysia hỗ trợ, công dân Triều Tiên không chỉ tới Malaysia làm việc đơn thuần mà còn làm gián điệp ngầm”, CNA cho biết.
Tuy nhiên, những công dân Triều Tiên ở Malaysia chỉ là một phần trong tổng số 100.000 người Triều Tiên đang làm việc trên khắp thế giới. Họ cũng là nguồn thu tài chính quan trọng giúp chính phủ Triều Tiên tích trữ ngoại tệ.
Cũng theo CNA, ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), công dân Triều Tiên còn hoạt động trong ngành khai thác quặng sắt ở bang Sarawak và là những đối tác của doanh nghiệp Malaysia.
“Họ đang cố đưa các mặt hàng của Malaysia sang Triều Tiên và ngược lại trong bối cảnh Liên Hợp Quốc liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng", theo CNA.
Trong khi đó, các ông chủ người Malaysia thường trả tiền công hàng tháng cho công nhân Triều Tiên qua đại sứ quán Triều Tiên. Do đó, công nhân Triều Tiên chỉ nhận được tiền trợ cấp sinh hoạt.
“Đại sứ quán Triều Tiên thường nhận tiền mặt thanh toán bởi họ không thể thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến do bị LHQ áp đặt trừng phạt. Dù phải mang các túi lớn đựng tiền về nước, nhưng các nhân viên đại sứ quán Triều tiên vẫn vượt qua hàng rào an ninh ở sân bay Malaysia do có hộ chiếu ngoại giao”, CNA cho biết.
Còn theo trang tin Hackread ở Milan, chính quyền Bình Nhưỡng đã cho thành lập một đơn vị IT mang tên Cục 121. Đây là một tin tặc (hacker) ưu tú chuyên làm nhiệm vụ tấn công mạng và tội phạm mạng.
Trong bài phỏng vấn với Hackread, Giáo sư Kim Heung Kwang, một công dân Triều Tiên nhưng đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2014 cho hay, ông này đã từng giảng dạy ngành khoa học công nghệ ở Triều Tiên cho nhóm các hacker lành nghề trong suốt 20 năm. Và chỉ có những người thuộc Cục 121 mới được phép tiếp cận internet cũng như dời khỏi đất nước. Tuy nhiên, các điệp viên của Triều Tiên lại không thể rời khỏi Malaysia do bị giới chức nước sở tại giám sát chặt chẽ.
Hôm 10/3, Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar chính thức xác nhận công dân Triều Tiên bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 13/2 là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Cảnh sát Malaysia cũng đã hoàn tất mọi yêu cầu cần thiết trong việc nhận dạng thi thể ông Kim Jong-nam.
Tuy nhiên, ông Khalid từ chối nêu rõ cách thức nhận dạng thi thể và không cho biết liệu người nhà của ông Kim Jong-nam đã đến để cung cấp mẫu ADNA hay không, vì vụ án còn đang được điều tra.