Triều Tiên đẩy lịch trình phóng vệ tinh sớm hơn ít nhất 1 ngày
Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên được tiết lộ khiến các nước Hàn Quốc và Nhật Bản lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng. Mặc dù Triều Tiên khẳng định tên lửa này có mục đích đưa vệ tinh lên quỹ đạo, nhiều nước tin rằng đây là vỏ bọc che đậy một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Tên lửa Unha-3 chở vệ tinh của Triều Tiên. |
Các quan chức Mỹ khẳng định, loại tên lửa được dùng để đưa vệ tinh ra không gian cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
“Việc cố ý phóng tên lửa là hành vi vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là hành động gây ảnh hưởng đến an ninh của đất nước chúng tôi”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu vào ngày 3/2.
Quan chức của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITV) đều lên tiếng xác nhận Triều Tiên đã thông báo với họ về việc phóng vệ tinh. Thông tin trên được tiết lộ một tháng sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng việc phóng vệ tinh và cho biết nội các của ông đang phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc nhằm thu thập thông tin và chuẩn bị biện pháp đáp trả.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Kháng cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước sự việc trên. “Chúng tôi hi vọng Triều Tiên sẽ kiềm chế và cẩn trọng hơn trong hoạt động của mình. Họ không nên có những động thái có thể gây căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên”, ông Lục phát biểu.
Các hãng hàng không Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải thay đổi các tuyến đường bay của mình để tránh những mảnh vỡ của tên lửa. Dựa trên tọa độ mà Triều Tiên thông báo cho IMO, tầng tên lửa đầu tiên sẽ rơi xuống vùng biển nằm giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, còn tầng thứ hai của nó sẽ rơi xuống bờ biển phía Bắc Philippines.
Hiện tại, Triều Tiên được cho là có một vệ tinh ngoài không gian có tên là Kwangmyongsong 3-2, mặc dù nhiều chuyên gia không tin rằng nó vẫn đang hoạt động.
Mặc dù Bình Nhưỡng khẳng định rằng chương trình vũ trụ của họ không có mục đích quân sự nhưng các thanh sát viên lại không cho là vậy. Trước đây, Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ đã dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để chở vệ tinh.
Trong lần phóng vệ tinh trước đây, Triều Tiên sử dụng tên lửa Unha, được cho là dựa trên tên lửa đạn đạo Taepodong có tầm xa vào khoảng 9.000km. Điều đó có nghĩa là Úc, Tây Âu và bờ Tây nước Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Theo các chuyên gia quân sự, Triều Tiên có thể có đến 100 đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên nước này vẫn chưa thể chế tạo được một loại tên lửa hiện đại thực sự.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.