Triều Tiên đã sẵn sàng cho "thánh chiến"
Binh lính Triều Tiên đứng canh gác dọc sông Yalu tại tỉnh Sinuiji |
Theo Nhật báo JoongAng của Hàn Quốc, việc Triều Tiên ban bố tình trạng thiết quân luật được xem là điềm báo trước cho một thử nghiệm hạt nhân sắp diễn ra. Trong đó, chủ tịch Kim tuyên bố cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 31/1 – 5/2. Trước đây, vào năm 2006 và 2009, Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Kim tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh và quốc phòng hàng đầu của Triều Tiên.
Trước đó, Triều Tiên cũng đã thề sẽ tăng cường sức mạnh tiềm lực quân sự và hạt nhân – một động thái phản ứng trước quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau khi quốc gia cô lập bất ngờ tiến hành vụ phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh của các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins cho thấy Triều Tiên cũng đã sẵn sàng thử nghiệm hạt nhân trong vài tuần tới.
Mặc dù, một số nhà phân tích dự báo cuộc thử nghiệm trên sẽ được tiến hành vào ngày 16/2 – nhân ngày sinh nhật của cố chủ tịch Kim Jong Il song trước hành động nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un ban bố tình trạng thiết quân luật thì vụ thử rất có thể diễn ra sớm hơn so với dự đoán.
Tuy nhiên, việc Triều Tiên quyết tâm tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 đã khiến đồng minh thân cận của quốc gia cô lập này – Trung Quốc vô cùng lo lắng.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng: "Bình Nhưỡng đang cố tình gây căng thẳng trước khi tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye có cơ hội tiến hành đàm phán với Triều tiên cũng như tổng thống Mỹ - Barack Obama có cơ hội thay đổi chính sách cư xử với Triều Tiên trong nhiệm kỳ thứ hai".
Việc giới chuyên gia dự báo Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 trong tuần tới diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc lần đầu tiên phóng thành công tên lửa đẩy mang theo vệ tinh vào quỹ đạo hôm 30/1.
Hôm 31/1, Viện Nghiên cứu Không gian vũ trụ Hàn Quốc (KARI) vui mừng thông báo vệ tinh của nước này đã chính thức truyền tín hiệu liên lạc với trạm kiểm soát dưới mặt đất. Thành công của vụ phóng hôm 30/1 được xem là niềm tự hào dân tộc với người dân Hàn Quốc. Thành công này đến muộn hơn so với Triều Tiên – quốc gia lần đầu tiên tham gia câu lạc bộ vũ trụ đưa vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 12/2012.
Mặc dù, Triều Tiên không đưa ra nhiều bình luận về vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc song khả năng Bình Nhưỡng sẽ tận dụng sự kiện này để biện hộ cho các vụ thử nghiệm tên lửa trong thời gian tới. Không giống như Hàn Quốc chịu sức ép phát triển công nghệ tên lửa chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự, Triều Tiên lại thể hiện rõ quan điểm tự nghiên cứu và chế tạo vũ khí.