Triều Tiên có âm mưu gì khi tố Hàn Quốc thả rắn ở biên giới?
Theo các nguồn tin ở tỉnh Ryanggang dọc biên giới với Trung Quốc, các đội tuần tra đã nhận được lệnh bắt rắn khi chúng liên tục xuất hiện ở bờ phía Bắc sông Yalu. Nguồn tin này cũng cho biết Bình Nhưỡng đã cáo buộc lực lượng tình báo của Seoul cố tình thả rắn để thách thức chính quyền Triều Tiên. Nhiều nguồn tin khác ở tỉnh Ryanggang đã chứng thực lời cáo buộc trên.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng cho rằng đối với các binh lính Triều Tiên, những tờ rơi tuyên truyền hay các đĩa CD mới được xem là mối đe dọa lớn nhất.
![]() |
Lính Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu vực biên giới hai nước. Nguồn: Getty |
Thêm vào đó, lời cáo buộc của Bình Nhưỡng còn nhiều điểm đáng nghi bởi địa thế của sông Yalu vốn đã có sự xuất hiện của rắn độc. Bộ an ninh Triều Tiên và các cơ quan truyền thông khác đã từng cảnh báo người dân sống gần đây cảnh giác trước loài rắn bởi đã có nhiều trường hợp tử vong do rắn cắn.
Một số chuyên gia cho rằng việc Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul chỉ là một âm mưu, một “vũ khí tâm lý” đánh vào người dân trong trận chiến 200 ngày, một ví dụ về các chiến dịch tăng tốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế của ông Kim Jong Un.
Những lời đồn đại rằng rắn độc có thể gây chết người ở sông Yalu có thể khiến những kẻ buôn lậu ở khu vực biên giới này “chột dạ” và họ bắt buộc phải mua những chiếc quần cao su chất lượng cao nếu muốn tiếp tục hoạt động. Vì thế, nhu cầu cho loại quần này đã tăng nhanh, đẩy giá của một chiếc quần lên tới 60.000 won (7 USD).
Trước đây, Triều Tiên từng tuyên bố lượng bọ que gây hại cho cánh đồng ngô là do âm mưu của Mỹ. Trên thực tế, sự khan hiếm thuốc trừ sâu mới là nguyên nhân chính của việc côn trùng phá hoại mùa màng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.