Triều Tiên cảnh cáo Trung Quốc về "hậu quả khủng khiếp"
Theo KCNA, những lời bình luận mạnh mẽ của giới truyền thông Trung Quốc về việc gia tăng lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng chỉ làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ hai nước cũng như khiến tình hình thêm căng thẳng.
Tuyên bố của KCNA được đưa ra sau khi Nhân dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu, hai tờ báo vốn được xem là “cơ quan ngôn luận cho đảng và chính phủ Trung Quốc” có những lời chỉ trích mạnh mẽ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
![]() |
Trung Quốc nhiều lần lên tiếngđề nghị Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. |
“Hàng loạt lời bình luận lố bịch và thiếu thận trọng từ phía Trung Quốc trong những ngày qua chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng. Trung Quốc nên suy nghĩ thận trọng về những hậu quả khủng khiếp một khi trụ cột quan hệ Trung - Triều bị phá vỡ”, KCNA nhấn mạnh.
Trung Quốc hiện được xem là đồng minh và láng giềng lớn của Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ cũng đang gia tăng sức ép buộc Trung Quốc gây thêm áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Theo giới ngoại giao, Washington và Bắc Kinh đang đàm phán để tăng cường phản ứng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như áp đặt thêm lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo.
Theo KCNA, truyền thông Trung Quốc đang cố tình đổ lỗi cho Bình Nhưỡng là tác nhân làm “xói mòn mối quan hệ” Trung - Triều và tạo cơ hội để Mỹ tăng cường triển khai vũ khí tới khu vực.
Cũng theo KCNA, Trung Quốc còn “phóng đại” những thiệt hại có thể xảy đến với 3 tỉnh phía đông bắc nước này một khi Triều Tiên cho thử hạt nhân.
KCNA cho rằng việc truyền thông Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân là “hành động vi phạm nền độc lập, quyền hợp pháp, sự tự tôn và lợi ích tối cao của Triều Tiên đồng thời tạo ra mối đe dọa cho quan hệ thân hữu truyền thống lâu đời giữa hai nước”.
KCNA cũng nhấn mạnh những lời bình luận của “một số chính trị gia và giới truyền thông” ở Trung Quốc về việc tăng thêm lệnh trừng phạt với Triều Tiên cũng như không loại trừ phương án tấn công quân sự nếu như Bình Nhưỡng quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân, thực chất xuất phát từ “chủ nghĩa bá quyền nước lớn”.
Theo KCNA, chương trình hạt nhân của Triều Tiên có ý nghĩa lớn đối với sự “phát triển và tồn tại của quốc gia do đó, sẽ không bao giờ thay đổi”.
“Triều Tiên sẽ không bao giờ van xin Trung Quốc duy trì quan hệ thân hữu”, KCNA cho hay.