Triều Tiên cảnh báo Nhật – Hàn ‘tránh đường’ tên lửa
Mặc dù phía Triều Tiên vẫn chưa thông báo chính thức thời điểm của vụ phóng vệ tinh nhưng ngày 2/12, cơ quan hàng không của Triều Tiên đã gửi thông báo đến Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á khác có khả năng chịu ảnh hưởng của vụ phóng này để cho biết “đường đi và thời điểm dự kiến” của quả tên lửa này đồng thời đề nghị các nước này lên kế hoạch “tránh đường cho tên lửa” của họ.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc (đề nghị giấu tên) đã cho Yonhap biết, phía Triều Tiên gửi thông báo rằng họ dự kiến tổ chức vụ phóng tên lửa “mang theo một vệ tinh có hoạt động” vào khoảng từ ngày 10 đến 22/12 tới đây.
Bất chấp thông báo này của Triều Tiên, nhiều nước vẫn khẳng định thực chất đây là một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
"Triều Tiên đã gửi thông báo trước cho các nước, bao gồm cả Nhật Bản rằng những quốc gia này có thể sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của vụ phóng tên lửa và cho biết thời điểm cũng như đường đi dự kiến của nó”, vị quan chức ngoại giao của chính quyền Seoul nói.
Theo thông báo của Triều Tiên, vệ tinh Kwangmyongsong-3 sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy Unha-3 và sẽ được phóng "theo hướng Nam" từ Trung tâm Vũ trụ Sohae đồng thời "một đường bay an toàn đã được chọn để đề phòng trường hợp những phần của tên lửa đẩy có thể rơi trong quá trình phóng sẽ không ảnh hưởng tới các nước láng giềng".
Tokyo cho biết, họ cũng đã nhận được “thông báo dành cho những người trong ngành hàng không” về kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng nhưng thông báo này không được gửi trực tiếp đến chính phủ Nhật mà thông qua một cơ quan hàng không.
Ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản, các nước ở khu vực Đông Á, Nam Thái Bình Dương cũng sẽ nhận được thông báo “tránh đường” này nhưng thông tin chi tiết sẽ được xác nhận cụ thể sau, khi Triều Tiên đã chốt toàn bộ kế hoạch của vụ phóng.
Trong một tuyên bố được đưa ra bởi người phát ngôn của Ủy ban công nghệ vũ trụ Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định “vụ phóng của họ sẽ tuân thủ mọi quy định liên quan của quốc tế” nhằm tránh cho các quốc gia bên ngoài hiểu lầm.
Cũng theo nhà ngoại giao Hàn Quốc, cho đến nay các tổ chức quốc tế có liên quan đến vụ phóng này như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)… vẫn chưa nhận được thông báo của Triều Tiên.
Trong 2 vụ phóng tên lửa trước đây, kể cả vụ phóng thất bại hồi tháng 4 vừa qua, Triều Tiên đều đã có thông báo cho IMO và ICAO về kế hoạch của họ. Theo thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia có kế hoạch phóng tên lửa hay vệ tinh đều bắt buộc phải thông báo trước cho các nước liên quan để đề phòng nguy hiểm xảy ra nhưng không bắt buộc phải thông báo cho các tổ chức quốc tế.
Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã cho triển khai tàu khu trục có trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis để theo dõi vụ phóng của Triều Tiên (Ảnh minh họa) |
Ngay khi hãng thông tấn Triều Tiên KCNA chính thức tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phóng tên lửa trong tháng 12, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã phải họp khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto, Ngoại trưởng Koichiro Gemba và Chánh văn phòng Nội các Osamu Fujimura. Kết quả của buổi họp này là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật rằng: Nếu Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa và có khả năng gây nguy hiểm cho Nhật Bản, lực lượng Phòng vệ của nước này sẽ có thể phá hủy tên lửa của Triều Tiên ngay khi cần thiết.
Vào thời điểm trước khi Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh Ngân hà 3 vào quỹ đạo hồi tháng Tư vừa qua, Nhật Bản cũng từng triển khai một hệ thống đánh chặn tên lửa là PAC-3 cùng với các tàu khu trục có hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến nhất thế giới Aegis. Khi đó, các hệ thống này đã được lệnh sẵn sàng “khai hỏa” nếu như tên lửa của Triều Tiên đe dọa tới Nhật Bản.
Ngày 1/12, Mỹ đã hối thúc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hủy bỏ các kế hoạch phóng tên lửa vào cuối tháng này, đồng thời cảnh báo động thái “mang tính khiêu khích cao” đó sẽ gây bất ổn cho khu vực.
Mới đây, Triều Tiên còn tuyên bố họ đã phát triển một loại tên lửa tầm xa hiện đại có khả năng bắn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.