Triều Tiên bất ngờ khan hiếm xăng dầu trầm trọng - Trung Quốc là "thủ phạm"?
AP đưa tin, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đang đối mặt với hiện tượng thiếu xăng dầu bất thường, giá xăng dầu ngày càng tăng. Thậm chí nhiều người lo ngại rằng, nó sắp cạn kiệt nếu tình hình không được cải thiện. Khắp nơi rộ lên tin đồn rằng, sự thiếu thốn này là do Trung Quốc.
Mức độ thiếu xăng dầu hiện tại của Triều Tiên cực kì bất thường nếu không muốn nói là chưa từng xảy ra. Tình trạng này bắt đầu từ tuần trước khi các trạm xăng trên khắp Bình Nhưỡng đều có biển thông báo khách hàng về việc họ sẽ hạn chế lượng xăng dầu bán ra cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Mặc dù chưa có thông tin gì về việc khi nào các biển báo trên sẽ được gỡ bỏ hay lý do giới hạn lượng xăng dầu bán ra là gì, nhưng khách hàng vẫn tiếp tục tranh nhau đổ đầy các bình xăng.
Một cây xăng ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. |
Trong khi đó, giá xăng dầu đã tăng lên rất mạnh. Trước đây, giá xăng dầu ở Triều Tiên khá ổn định ở mức 70-80 cent Mỹ/kg (16-18 nghìn đồng/kg), nhưng hôm 26/4, giá xăng dầu ở một số trạm xăng ở Bình Nhưỡng đã tăng lên tới 1,4 USD/kg (32 nghìn đồng/kg).
Theo AP, Trung Quốc cung cấp hầu hết nhu cầu nhiên liệu cho Triều Tiên. Do vậy, nhiều người cho rằng Bắc Kinh đứng đằng sau tình trạng thiếu hụt trên. Thậm chí, họ còn ám chỉ, Trung Quốc đã làm vậy theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump liên tục kêu gọi Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Theo AP, mặc dù mối quan hệ thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc dường như khá vững chắc, và thậm chí còn tăng lên, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lặng lẽ thắt chặt việc thực thi một số lệnh trừng phạt quốc tế nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc cứng rắn hơn với Triều Tiên. |
AP cho hay, trước khi Bình Nhưỡng rơi vào tình trạng thiếu thốn xăng dầu trên, Trung Quốc đã thảo luận về việc hạn chế nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên dù không biết Bắc Kinh có định thực hiện nghiêm túc hay không.
Ông David von Hippel, một quan chức cấp cao của Viện chuyên nghiên cứu về môi trường và năng lượng Nautilus cho hay, các nguồn cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu của Bình Nhưỡng sẽ giảm mạnh nếu không có nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù vậy, theo ông Hippel, cũng có thể giá xăng dầu ở Bình Nhưỡng tăng lên là do nhu cầu tăng.
Tuy nhiên, AP đưa tin, hai ngày sau khi các biển báo hạn chế lượng xăng dầu bán ra được công bố, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố hiếu chiến, thậm chí đe dọa “một đất nước nằm gần Triều Tiên”.
KCNA nhấn mạnh, khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là để tự vệ, không phải là thứ có thể thương lượng và rằng nếu nước nào vì bắt chước ai đó mà áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thì nước đó sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc trong mối quan hệ với Triều Tiên.
Hiện không rõ việc thiếu xăng dầu, khí đốt sẽ ảnh hưởng thế nào đối với quân đội, các cơ quan nhà nước, các dự án lớn của Triều Tiên hay không, nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn, nền kinh tế của Triều Tiên chắc chắn sẽ bị tác động vô cùng lớn.