Triều Tiên âm thầm bán vũ khí cho Syria?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên "tâng bốc" chính quyền của ông Bashar Assad nhằm mục đích tăng cường bán vũ khí tới Syria |
Hôm 16/11, một tuyên bố của Kim Jong Un được đưa ra bởi cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên, cơ quan ngôn luận của chính phủ ở Bình Nhưỡng, đã phủ nhận sự lên án của quốc tế về chính quyền của ông Assad và đưa ra những lời “có cánh” cho chế độ này. Lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên đã gửi lời chúc mừng tỏ ra rất thân thiện và ấm áp nhân dịp Syria kỷ niệm 42 năm diễn ra phong trào cải chính ở nước này. “Phong trào cải chính là một sự kiện lịch sử đã tạo ra bước ngoặt của người dân Syria trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước và xây dựng một xã hội văn minh, thịnh vượng mới”, Kim Jong Un nói.
Ba ngày trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên “giãi bày tâm sự” và gửi lời khen ngợi cho Assad, các nguồn tin tại Liên hợp quốc đã đưa ra công bố việc nước này bị phát hiện ra khi cố gắng vận chuyển các bộ phận sản xuất tên lửa cho Syria, trái với lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã được áp đặt bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Khoảng 400 xi lanh than chì, có thể được sử dụng trong các tên lửa, đã được tìm thấy hồi tháng Năm khi các quan chức hải quan Hàn Quốc khám xét một tàu chở hàng tên là Xin Yan Tai của Trung Quốc đang trên đường đến Syria.
“Syria đã ở trong tình trạng nội chiến kéo dài hàng năm và các quốc gia khác đang cố gắng không vận chuyển vũ khí cho nước này”, ông Ken Kato, nhà hoạt động nhân quyền Nhật Bản nhận định, “Triều Tiên thật là trắng trợn và họ dám làm bất cứ điều gì để có được tiền”.
Người ta phát hiện ra rằng tàu chở hàng trọng lượng 69.255 tấn này thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải và đã được kiểm tra ít nhất 19 lần kể từ năm 2005. Việc kiểm tra được thực hiện bởi Đội bảo vệ bờ biển của Mỹ, cũng như các cơ quan hải quân ở Colombia, Austrilia và cảng Hamburg của Đức. “Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là đỉnh của tảng băng trôi”, ông Kato nói, “không khó khăn lắm khi buôn lậu vũ khĩ qua đường biển và tôi ước tính rằng chỉ có dưới 1% các chuyến hàng chở vũ khí của Triều Tiên bị phát hiện”.
Triều Tiên còn bán cả các phần cứng quân sự hay công nghệ sản xuất các loại phần cứng như vậy cho chính phủ Myanmar và Hezbollah. Bình Nhưỡng là đồng minh lâu đời của Iran và cũng từng bị cáo buộc cung cấp rộng rãi các công nghệ hỗ trợ xây dựng vũ khí hạt nhân cho Tehran. Các ngoại tệ mạnh mà Triều Tiên kiếm được sau đó được tái đầu tư vào các chương trình riêng của nước này trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong tháng Sáu, Liên hiệp quốc đã xác định khoảng 8 công ty Triều Tiên đã bỏ qua lệnh cấm trừng phạt và hỗ trợ cho Bình Nhưỡng trong sự kiện được cho là phóng tên lửa nhưng đã núp dưới hình thức thử nghiệm phóng vệ tinh.
Một báo cáo chi tiết cho biết Triều Tiên núp bóng dưới một số công ty đứng danh ở Trung Quốc, thông đồng với các công ty này và giả mạo giấy tờ nhằm che giấu nguồn gốc lô hàng và dễ dàng hơn cho việc hối lộ. Nghiên cứu cũng cáo buộc Bắc Kinh đã không hành động khi phải đối mặt với thông tin về các công ty này không làm đúng theo các biện pháp trừng phạt. “Liên hiệp quốc đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn tình trạng buôn bán vũ khí này, nhưng tôi không tin rằng tất cả các quốc gia thành viên làm đúng trách nhiệm của mình, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Kato nói, “Bắc Kinh đang bảo vệ Triều Tiên và họ đang bỏ qua hoạt động của các nước khác”.
Bình luận về việc phát hiện tàu Trung Quốc chở các xi lanh chì hỗ trợ sản xuất vũ khí hồi tháng Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế và các đối tác của mình ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm cả Trung Quốc, để thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và đôn đốc các nước khác phải thận trọng trong các giao dịch của họ với nước này”.