Trẻ tụt cân, rối loạn tiêu hóa thường xuyên vì ăn dặm sai cách
Trẻ ăn dặm cũng phải đúng cách (ảnh minh họa) |
Đưa con đến Viện Dinh dưỡng khám, chị Nguyễn Thu Hà (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN) cho biết, con gái chị được 6,5 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 6,3kg. Lúc mới sinh, con gái nặng 2,9 kg. Bé rất lười ăn nhưng nghĩ là do con gái vẫn khảnh ăn hơn con trai nên chị cũng không quá lo lắng.
“Khi con được 4 tháng tuổi, tôi phải đi làm lại nên giai đoạn đầu mình dặn bà ở nhà cho con uống thêm 2 bữa sữa công thức. Con có thể uống được 300ml/ngày. Lúc con được 5 tháng tuổi tôi bắt đầu cho con ăn bột ăn liền pha với sữa, mỗi ngày ăn hai bữa. Cũng từ đó, cháu bị rối loạn tiêu hóa triền miên. Phân lúc nào cũng loãng toẹt, mùi chua như mẻ…Tôi cũng cho cháu uống men tiêu hóa nhưng không đỡ, mặc dù cháu không quấy khóc nhưng suốt hơn hai tháng trời không hề tăng cân mà còn tụt đi mất 4 lạng”- chị Hà lo lắng nói.
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, chế độ ăn của bé con chị Hà là không phù hợp. Bởi bé mới được 5 tháng tuổi mà mẹ đã cho ăn thêm 2 bữa bột ăn liền. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ bú ít, cũng như bị rối loạn tiêu hóa khiến trẻ tụt cân và ngấp nghé suy dinh dưỡng. Nếu không có những điều chỉnh chế độ dinh dưỡng kịp thời nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguyên nhân của tình trạng này được PGS Lâm giải thích, ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, trẻ chưa có đủ men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít, đặc biệt là chưa có men Amylase để tiêu hóa tinh bột. Vì thế nếu cho trẻ ăn dặm sớm sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá biểu hiện ở trạng thái đầy bụng, đi ngoài phân lổn nhổn, mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn ngoài sữa.
“Đã có nhiều trường hợp đến viện khi con bị tiêu chảy kéo dài. Điều này rất nguy hiểm có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời” – PGS Lâm nhấn mạnh.
Theo PGS Lâm thì ở lứa tuổi này nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là tốt nhất. Ngoài 6 tháng mới nên cho ăn bổ sung. Trong trường hợp mẹ phải đi làm khi con mới 4 tháng tuổi thì người mẹ có thể tận dùng nguồn sữa mẹ bằng cách cho con bú trước khi đi làm, buổi trưa tranh thủ về cho bú, tăng cường bú ban đêm hoặc vắt sẵn sữa để lại nhà cho bé. Trong trường hợp không đủ thì mới cho ăn sữa công thức.
Ăn dặm như thế nào cho đúng cách?
Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi mới nên cho trẻ ăn bổ sung, tuy nhiên PGS Lâm cũng lưu ý các bậc phụ huynh nên tuân thủ nguyên tắc trong những ngày đầu tiên cần cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều (ban đầu chỉ nên ăn 2 bữa/tuần, tăng dần 1 bữa/ngày rồi mới 2 bữa/ngày) và tập làm quen với thức ăn mới.
PGS Lâm cũng cho biết thêm gần đây có ý kiến cho rằng trong giai đoạn đầu mới ăn dặm không nên cho trẻ ăn bột ngọt bởi điều này làm cho trẻ không thích ăn bột mặn. PGS Lâm cho rằng, đây là một quan niệm chưa chính xác bởi khi trẻ mới tập ăn bột thì bữa đầu tiên có thể cho trẻ ăn bột sữa hoặc bột thịt đều được. Nếu trẻ ăn bột sữa thì sau khi quấy chín bột, đổ ra bát để bớt nóng thì quấy thêm sữa bột vào cho trẻ ăn. Nếu ăn bột thịt hay trứng thì chỉ cho khoảng ½ quả trứng gà hoặc 10g thịt vào nấu lẫn bột, khi trẻ quen thì tăng lên 2 thìa cà phê thịt (khoảng 20g) hoặc 1 quả trứng.
Tuy nhiên, PGS Lâm lưu ý các bậc phụ huynh nên thay đổi thực đơn của trẻ liên tục. Một số bà mẹ do bận việc nên chỉ nấu bột bằng nước mắm, mì chính hoặc với đường thậm chí cho ăn bột ăn liền kéo dài. “Một bát bột ngọt sẽ thiếu đạm và thừa đường, nếu có đủ thì thường lờ lợ khó ăn. Việc thừa đường sẽ làm tăng men chua trong dạ dày và ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Bột có thể ứ đọng trong ruột, cản trở hấp thu canxi và dẫn đến còi xương. Chất ngọt nhanh gây cảm giác no nên dễ làm cho trẻ trở nên biếng ăn. Vì thế không nên cho trẻ ăn bột ngọt thường xuyên, kéo dài chứ không có nghĩa tuyệt đối không cho trẻ ăn loại bột này” – PGS Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, một thói quen khác của các bà mẹ thành phố thường chọn mua bột bán sẵn trên thị trường trong đó thành phần được trộn thêm rất nhiều các loại đậu, hạt sen, ý dĩ… PGS. TS Lâm cho rằng điều này thực sự không cần thiết. Bởi với trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, hầu như không thể hấp thụ được dưỡng chất trong các loại đậu. Vì thế, giai đoạn này bát bột của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột-đường (có trong tinh bột gạo), đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua), chất béo (dầu, mỡ), vitamin và khoáng (trong các loại rau, củ) Vì vậy, tốt nhất trong giai đoạn trẻ ăn dặm vẫn là bột mặn với bột, thịt cá, rau, dầu ăn...