Trẻ tuổi đã bị tiền đình, thủ phạm khiến ai cũng có thể mắc
Gần 1 tháng nay, chị P (30 tuổi) thường xuyên chóng mặt, buồn nôn, đau đầu… thậm chí đang ngồi mà đứng lên là mặt tối sầm, người chao đảo như muốn ngã.
Ngồi nhiều máy tính cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng rối loạn tiền đình. |
Tối sầm mắt khi bất ngờ đứng dậy
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết thời gian qua tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân có rối loạn tiền đình vào viện với các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân V.T.P (30 tuổi, trú tại TP Cao Bằng). Bệnh nhân cho biết khoảng gần 1 tháng nay chị thường xuyên có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, cảm giác bồng bềnh như say sóng. Đang ngồi mà đứng lên là mắt tối sầm lại tưởng như sắp ngã khiến chị không thể tập trung làm việc được. Tình trạng mỗi lúc một tăng, đi khám được phát hiện bị chứng rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình là hội chứng gây cho người bệnh cảm giác mất thăng bằng, không thể đứng vững, tùy vào mức độ nặng hay nhẹ nhưng đều khiến người bệnh vô cùng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh.
Theo ghi nhận tại các bệnh viện, ngày càng nhiều người bị chứng rối loạn tiền đình, đặc biệt ở người trẻ cũng có xu hướng gia tăng.
Lý giải tình trạng rối loạn tiền đình xuất hiện ở nhiều người trẻ, các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Cao Bằng cho rằng nguyên nhân là do thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ngồi lâu một chỗ, ít vận động. Thậm chí có những người ngồi cả ngày không hoặc rất ít đứng lên, đi lại.
Thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa để nhiệt độ thấp cũng làm cho cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não.
Bên cạnh áp lực công việc, nhiều người trẻ còn gặp nhiều áp lực trong cuộc sống hàng ngày, khiến cho giấc ngủ thường xuyên ở trạng thái chập chờn, không sâu, hay trằn trọc và hay thức giấc.
Một số người bị huyết áp thấp, lại có thói quen không ăn sáng hoặc ăn quá mặn, lười tập thể dục, thể thao, uống nhiều rượu, bia và thức uống có ga… những thói quen này đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, làm tăng thêm chứng rối loạn tiền đình.
Không ngồi lâu trước máy tính
Bác sĩ CKII.Tô Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh cho biết, khi bị rối loạn tiền đình hầu hết các bệnh nhân đều có những cơn chóng mặt đột ngột, dữ dội, ngắn hoặc dài từ vài giây đến dưới một phút tùy theo từng bệnh nhân.
Đặc biệt liên quan đến thay đổi vị trí của đầu thường theo một hướng. Lúc đó bệnh nhân phải nằm yên. Bệnh nhân không đau đầu cũng có thể có ù tai, có thể giảm thính lực. Đó là rối loạn tiền đình ngoại biên – những cơn chóng mặt thông thường.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có những biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn nhiều, yếu tay chân – liên quan đến tổn thương thực thể trong não thì chúng ta phải phân biệt giữa rối loạn tiền đình ở ngoại biên hay trung ương để có thái độ xử trí kịp thời”.
Hiện nay, tỷ lệ mắc chứng bệnh rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng và ai cũng có thể mắc bệnh này đặc biệt là người trẻ. Do đó, khi cơ thể có triệu chứng rối loạn tiền đình, chóng mặt thì phải tìm nguyên nhân, quan trọng là điều trị theo nguyên nhân. Đồng thời chủ động thực hiện các phương pháp phòng tránh bệnh và biết cách xử lý tạm thời khi đã lên cơn chóng mặt.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh rối loạn tiền đình, những người trẻ cần phải giữ gìn sức khoẻ đúng cách. Cần lưu ý và thực hiện các điều sau:
Không thức khuya, nên đi ngủ trước 11h, ngủ đủ giấc 7-8h mỗi ngày. Duy trì tập thể dục hằng ngày mỗi buổi sáng hoặc chiều. Uống đủ nước mỗi ngày 2 lít. Uống nước giúp cho cơ thể luôn khoẻ mạnh đào thải được chất độc. Không ngồi lâu trước máy tính, đứng lên đi lại sau 1-2 giờ làm việc.
Tìm cách hạn chế những áp lực do công việc gây ra, nên có kế hoạch cho công việc cụ thể và làm vừa đủ sức. Cần nghỉ ngơi nếu thấy quá mệt.
Nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất và ăn đúng bữa để duy trì năng lượng cho công việc và học tập hằng ngày.
N. Huyền