Trẻ rơi từ tầng cao chung cư: Không chỉ lắp lưới ngay, cha mẹ cần dựng “lá chắn” bảo vệ con an toàn
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc trẻ em rơi từ chung cư cao tầng xuống gây nguy hiểm tính mạng.
Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để các bậc phụ huynh phải khẩn trương đưa ra những giải pháp đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho con trẻ.
Theo cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) thì việc chọn chung cư để sống là xu hướng của nhiều gia đình hiện nay. Thế nhưng một số bậc phụ huynh có phần chủ quan, lơ là việc làm sao đảm bảo cho con một môi trường sống an toàn.
“Khi mua căn hộ chung cư, bố mẹ cần chú ý đến lan can, cửa sổ, những điểm có thể nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và cả trẻ lớn. Sau khi mua căn hộ, chủ nhà cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Nhiều phụ huynh có con lớn thường hay chủ quan nghĩ rằng lưới an toàn ở cửa sổ, ban công chỉ cần thiết với trẻ nhỏ nhưng đó là suy nghĩ sai lầm.
Trong một phút yếu lòng, một phút chán nản, bất đồng với cuộc sống nhiều trẻ kể cả đã là học sinh cấp 3 có thể muốn tìm đến cái chết như sự giải thoát. Nếu ngôi nhà có lưới an toàn, có rào bảo vệ thì trong phút yếu lòng ấy có thể tạm thời ngăn cản hành vi tiêu cực đó. Và sau giây phút ấy, biết đâu trẻ sẽ tìm thấy cách giải quyết vấn đề tốt hơn”, cô Loan cho hay.
Một chung cư cao tầng từng có trẻ bị rơi xuống. |
Cô Loan cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm nhưng các bậc cha mẹ ít nhiều có suy nghĩ chủ quan rằng chuyện xảy ra ở đâu đâu chứ không bao giờ xảy đến với nhà mình. Chính vì vậy khi sự việc xảy ra thì cha mẹ có ân hận cũng đã quá muộn màng.
Ngoài việc rà soát lại toàn bộ ban công, cửa sổ nhà mình thì các bậc phụ huynh nên dành thêm nhiều thời gian đồng hành cùng con, chia sẻ kịp thời những vướng mắc mà con gặp phải.
Với trẻ bé, cha mẹ đừng bao giờ viện cớ bận công việc mà để con xa khỏi tầm mắt của mình. Còn với trẻ lớn, đừng bao giờ bỏ con một mình trong mớ hỗn độn những suy nghĩ bế tắc, điều rất dễ gặp ở lứa tuổi vị thành niên.
Cô Loan kể đã từng tư vấn tâm lý cho một nam sinh lớp 10 vì khi bố mẹ ly hôn, em thấy cuộc sống không còn ý nghĩa.
Việc bố đi bước nữa là một đòn tâm lý khiến em không thể chấp nhận. Hàng ngày bố mẹ lại mải mê với công việc nên con trai bị sang chấn tâm lý mà không hề hay biết.
Sự việc chỉ vỡ lở sau khi nam học sinh này hỏi bạn thân rằng cái chết như thế nào là nhẹ nhàng nhất. Bạn thân của em đã mang câu chuyện nói lại với giáo viên, lúc ấy, bố mẹ bạn nam này mới biết thì con trai mình cũng đã rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý nặng, nhiều khi còn hoảng loạn, không kiềm chế được cảm xúc mà đập phá đồ đạc.
Sau đó, mẹ nam sinh đã phải tốn một thời gian dài, kiên trì từng bước, từng bước điều trị tâm lý cùng con trai mình.
“Tôi nói câu chuyện trên để thấy rằng, dù là con đã lớn nhưng sự đồng hành của bố mẹ với con vô cùng quan trọng. Những đứa trẻ của chúng ta chưa từng trải, ít vấp ngã nên với những biến cố nhất định cần người thân chia sẻ cùng để chúng thấy cuộc đời còn có điểm tựa, có niềm vui thay vì chọn cái chết để kết thúc sinh mạng mình”, cô Loan nói.
Một nữ sinh lớp 10 rơi từ tầng cao chung cư xuống mái tôn tử vong
Sáng nay (9/3), tại chung cư CT2A Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ việc nữ sinh lớp 10 bất ngờ rơi từ tầng 9 chung cư xuống mái tôn tầng 2 của cửa hàng đồ nướng gần đó.
Hoàng Thanh