3 tháng ròng rã chữa hậu Covid-19, bất ngờ với thủ phạm
Sau khi mắc Covid-19, con chị Hà thường xuyên khó thở, đi bệnh viện làm đủ các biện pháp và uống thuốc trường kỳ nhưng vẫn không dứt cơn khó thở.
Nhầm với bệnh phổi
Chị Vũ Thị Hà – quê Thái Bình đưa con lên Hà Nội khám hậu Covid-19. Chị Hà cho biết con gái chị 10 tuổi, sau khi mắc Covid-19 vào tháng 3, bé không có triệu chứng nhiều ở giai đoạn dương tính nhưng hậu Covid-19 liên tục khó thở.
Chị Hà cho con đi khám tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, mỗi lần khám bác sĩ lại chụp phim, phổi không bị tổn thương nhưng bé vẫn khó thở. “Lấy thuốc về cho cháu uống nhưng hết thuốc là không thở được. Có đêm, cả nhà không ngủ vì cháu lên cơn khó thở không rõ nguyên nhân gì", chị Hà lo lắng.
Giữa đầy rẫy thông tin về hậu Covid-19, bà mẹ càng lo hơn. 4 lần đi khám nhưng không có hiệu quả, chị Hà và chồng xin nghỉ làm đưa con ra Hà Nội khám với hi vọng phổi của cháu không bị tổn thương.
Kết quả chẩn đoán khiến vợ chồng chị Hà ngã ngửa, phổi của bé không tổn thương gì mà cháu bé hen phế quản. Bác sĩ thấy trẻ khó thở lại tăng cường kháng sinh càng làm cho tình trạng hen nặng hơn.
Sau khi được điều trị hen phế quản, chỉ 3 ngày tình trạng khó thở giảm 70%, phổi không còn tiếng ran như trước.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội, cho biết hen phế quản hoàn toàn không liên quan tới Covid-19. Hậu Covid-19 có thể làm gia tăng cơn hen kịch phát ở người bệnh nên họ nghĩ rằng đây là do Covid-19 gây ra.
BS An cho biết sau Covid-19, có nhiều trẻ cũng giống con chị Hà. Tuy nhiên, kết quả khám loại bỏ hoàn toàn các nguyên nhân do virus. Theo dõi những trẻ bị hen đa số các nguyên nhân từ môi trường sống.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân. |
Thủ phạm gây hen
Theo bác sĩ An hen suyễn hay viêm mũi dị ứng đều cùng chung các yếu tố khởi phát là các dị nguyên đường hô hấp. Những dị nguyên này tác động lên đường hô hấp là nguyên nhân dẫn đến dị ứng.
Phấn hoa: phấn hoa có kích thước lớn, hay gây các triệu chứng hen kèm VMDƯ. Đây là nguyên nhân gây bệnh theo mùa. Tùy vào vị trí địa lý, thời gian trong năm, để xác định loại phấn hoa gây bệnh.
Nấm mốc: phát triển ở những nơi ẩm ướt, tối tăm. Các bào tử nấm phát tán khắp nơi và thường gây các triệu chứng dị ứng quanh năm.
Các dị nguyên ở nơi làm việc: một số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây dị ứng tại nơi làm việc như bụi gỗ, bụi bông, bột mì, latex v.v… Trong những trường hợp này, cần xác định rõ nguyên nhân gây dị ứng để chuyển đổi nơi làm việc, để các triệu chứng không tiến triển nặng hơn.
Mạt bụi nhà: các loại mạt bụi nhà phổ biến gây dị ứng ở Việt Nam bao gồm: Dermatophagoides Pteronyssinus, Dermatophagoides Farinae, Blomia Tropicalis. Mạt bụi nhà tập trung nhiều ở thảm trải sàn, đệm giường, chăn, vải trải giường, gối v.v… Mạt bụi nhà thích hợp với môi trường có độ ẩm cao khoảng 75-80%, nhiệt độ khoảng 25oC -30oC và thường gây các triệu chứng dị ứng quanh năm.
Gián: không những gây ô nhiễm thực phẩm, gián còn là một trong những tác nhân gây dị ứng quanh năm, đặc biệt ở các nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Tất cả các bộ phận của cơ thể gián đều có tiềm năng gây dị ứng, kể cả phân, nước bọt.
Lông súc vật: mèo là vật nuôi hay gây dị ứng nhất mặc dù chó, ngựa, chuột cảnh v.v…. cũng là các nguyên nhân thường gặp. Tác nhân gây dị ứng là lông, vẩy da và nước bọt của các vật nuôi này. Triệu chứng vẫn tiếp tục sau vài tháng, cho dù các vật nuôi này đã được chuyển đi.
Bên cạnh đó cũng có thể kể đến các tác nhân không dị ứng như di truyền (Gia đình có người bị hen phế quản); Yếu tố tâm lý (tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý),..”
PGS An cho biết thêm hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ. Triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi màu trong quánh và dính. Sau cơn hen thì hết các triệu chứng hoặc khi thở ra, có tiếng cò cử mà bản thân bệnh nhân và người khác cũng nghe thấy.
Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong.
Hen phế quản có thể kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ. Chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có cơn hen và sử dụng thuốc dự phòng đều đặn ngay cả khi không còn triệu chứng của hen, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Với người bị hen, BS An khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng Covid-19; Đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.
Khánh Chi