Tránh mất điểm "oan" khi làm bài thi tốt nghiệp THPT 2020 môn Sinh học
Mặc dù phần lý thuyết trong đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT thường khá dễ nhưng lại là phần thí sinh mất điểm "oan" nhiều nhất, nguyên nhân là do sự chủ quan và tâm lý của thí sinh.
Đó là lưu ý của thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI dành cho sĩ tử trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Bên cạnh đó, thầy Hiền đã chia sẻ một số “mẹo” giúp thí sinh giải quyết nhanh và chính xác phần kiến thức này.
Hệ thống kiến thức trọng tâm cần ôn luyện
Theo cấu trúc đề thi tham khảo kì thi Tốt nghiệp THPT mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra thì kiến thức trọng tâm môn Sinh học nằm chủ yếu trong chương trình Sinh học 12 (34 câu chiếm 85%), Sinh học 11 (6 câu chiếm 15%).
Do mục đích chính của kì thi là xét tốt nghiệp THPT nên đề thi năm nay có sự thay đổi mạnh về độ khó và ma trận. Đề thi sẽ dễ hơn so với năm 2019, số câu hỏi lý thuyết được nâng lên 70%, chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Do đó, thí sinh học tốt lý thuyết đã có thể nắm chắc 6-7 điểm. Tỉ lệ bài tập đã giảm đi, tuy nhiên vẫn có những câu hỏi vận dụng cao để phân loại thí sinh ở cuối đề.
Những chuyên đề có số lượng câu hỏi nhiều nhất lần lượt là: Di truyền học (25 câu), Sinh thái (5 câu), Tiến hóa (4 câu), Thực vật (3 câu), Động vật (3 câu).
Phần bài tập có ở phần Di truyền học, các chuyên đề còn lại là câu hỏi lý thuyết ở mức nhận biết, thông hiểu. Phần di truyền học là phần tập trung số câu hỏi lớn nhất cũng như có đủ 4 mức độ câu hỏi: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Lý thuyết phần này chiếm khoảng 8-9 câu hỏi và dừng ở mức vận dụng, còn lại là bài tập tính toán đủ 4 mức độ.
Cách tránh mất điểm “oan” phần lý thuyết
Mặc dù phần lý thuyết khá dễ, nhưng lại là phần mà thí sinh mất điểm oan nhiều nhất, nguyên nhân là do sự chủ quan và tâm lý của thí sinh. Những câu hỏi này thường giải quyết rất nhanh, có khi chỉ 5-10 giây, nhưng chính vì nhanh nên thí sinh thường đọc lướt, dẫn đến thiếu sót những từ ngữ quan trọng trong câu hỏi và chọn sai đáp án.
Thí sinh luôn có tâm lý làm nhanh nhất phần này để đủ thời gian làm câu khó phía cuối bài nhưng quên mất rằng, câu nào cũng có giá trị điểm như nhau, vì thế câu nào cũng phải cần sự cẩn thận.
Thông thường các câu hỏi sẽ yêu cầu các bạn chọn ý đúng, nhưng vẫn có câu hỏi yêu cầu chọn ý không đúng (ý sai), học sinh thường logic trong đầu chọn ý đúng, sau đó không để ý yêu cầu đề bài là chọn ý sai, nên cũng dẫn đến tô nhầm đáp án.
Ảnh minh họa |
Khi làm lý thuyết Sinh học phải rất chú ý từ sử dụng trong câu, trong khoa học, để khẳng định, phủ định vấn đề nào đó luôn cần phải có điều kiện, giới hạn phạm vi đi kèm. Các bạn khi làm bài không để ý đến điều này, đọc lướt nhanh ý chính mà quên từ quan trọng trong đề. Các em có thể tham khảo 2 ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: (Đề tham khảo THPT quốc gia 2020) Alen M bị đột biến điểm thành alen m. Theo lí thuyết, alen M và alen m
A. chắc chắn có số nuclêôtit bằng nhau.
B. luôn có số liên kết hidro bằng nhau.
C. có thể có tỉ lệ (A+T)/(G+X) bằng nhau.
D. luôn có chiều dài bằng nhau
Hướng dẫn giải:
Ở câu hỏi này, nói về đột biến điểm, thì chúng ta cần phải nhớ lại đột biến điểm gồm những dạng nào (3 dạng: mất, thêm, thay thế 1 cặp nuclêôtit). Sau đó xét từng ý trả lời, đối chiếu với 3 dạng đột biến, chỉ cần có trường hợp ngoại lệ với những câu khẳng định tuyệt đối thì câu đó sai.
Ý 1: ý này khẳng định tuyệt đối, nhưng sai do nếu là đột biến mất và thêm thì số nuclêôtit không bằng nhau.
Ý 2: ý này khẳng định tuyệt đối, nhưng sai do nếu là đột biến mất và thêm thì số liên kết hidro không bằng nhau.
Ý 3: ý này dùng từ “có thể”, nếu thay A-T bằng T-A thì tỉ lệ (A+T)/(G+X) không thay đổi, ý này đúng.
Ý 4: ý này khẳng định tuyệt đối, nhưng sai do nếu là đột biến mất và thêm thì chiều dài không bằng nhau.
→ Đáp án C
Ví dụ 2: (Đề thi môn Sinh học THPT quốc gia 2018) Khi nói về cơ chế di truyền ở sinh vật nhân thực, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
I. Các gen trong một tế bào luôn có số lần phiên mã bằng nhau.
II. Quá trình phiên mã luôn diễn ra đồng thời với quá trình nhân đôi ADN.
III. Thông tin di truyền trong ADN được truyền từ tế bào này sang tế bào khác nhờ cơ chế nhân đôi ADN.
IV. Quá trình dịch mã có sự tham gia của mARN, tARN và ribôxôm.
A. 4. B. 3. C. 1. D. 2.
Hướng dẫn giải:
Câu hỏi này đếm số đáp án đúng, tuy nhiên trước tiên các bạn cần gạch chân từ “nhân thực” ở câu đầu tiên, đây là giới hạn phạm vi câu hỏi.
Ý I: các bạn gạch chân từ “luôn”, đây là khẳng định tất cả các gen trong tế bào, điều này là sai, vì phiên mã các gen có số lần khác nhau theo nhu cầu cơ thể.
Ý II: các bạn gạch chân từ “luôn”, đây là khẳng định tất cả, tuy nhiên đây là 2 quá trình diễn ra vào thời điểm khác nhau.
Ý III: Đây là ý mà hầu hết thí sinh chọn đúng, tuy nhiên khi đọc kĩ các bạn thấy câu này nói “ADN được truyền từ tế bào này sang tế bào khác nhờ cơ chế nhân đôi ADN” là sai, vì nó phải được truyền từ tế bào mẹ sang tế bào con, tế bào này sang tế bào khác có thể không phải 2 tế bào mẹ con.
Ý IV: ý này đúng, dịch mã dùng mARN làm khuôn, tARN vận chuyển axit amin, ribôxôm là bào quan tổng hợp protein.
→ Đáp án C
Gợi ý đáp án các môn Lý, Hóa, Sinh đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2020
Bộ GD&ĐT vừa công bố đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020, chúng tôi xin giới thiệu gợi ý đáp án các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học do các thầy cô tại Hệ thống giáo dục HOCMAi thực hiện.
Hoàng Thanh