Tranh chấp Trung – Nhật có thể được giải quyết qua đối thoại
Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng New Komeito thuộc liên minh cầm quyền Nhật Bản, cho biết nước này sẽ đối thoại một cách cởi mở hơn với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đã leo thang suốt những tháng vừa qua.
“Tôi tin chắc rằng sự khác biệt giữa chúng tôi với Trung Quốc có thể được giải quyết”, ông Yamaguchi nói, thêm rằng ông sẽ không trực tiếp thảo luận các vấn đề biển đảo với ông Tập Cận Bình.
Chính sách quốc hữu hóa một số hòn đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012 của Nhật Bản đã tạo ra một làn sóng biểu tình chống Nhật rầm rộ tại Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã bị đập phá, cướp bóc và công dân Nhật Bản bị tấn công. Các nhà sản xuất Nhật Bản báo cáo doanh số bán hàng ở Trung Quốc thấp đáng kể trong những tháng sau khi vụ việc xảy ra.
Máy bay chiến đấu của Nhật Bản trong những tuần gần đây liên tục quần thảo với máy bay của Trung Quốc trên vùng trời ngoài biển khơi gần Senkaku/Điếu Ngư khi họ định tiếp cận với không phận của quần đảo. Lực lượng quân sự của hai bên liên tục chơi trò mèo vờn chuột không chỉ ở trên không mà còn bằng tàu biển trong khu vực tranh chấp.
Ông Yamaguchi cho biết đã gửi một bức thư từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Tổng Bí thư Tập Cận Bình. “Chúng tôi đồng ý rằng điều quan trọng là tiếp tục đối thoại với mục đích có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung – Nhật giữa hai nhà lãnh đạo”, ông nói và không đưa thêm chi tiết cụ thể nào.
Ông Yamaguchi tuy không có vị trí chính thức trong chính phủ Nhật Bản nhưng là một nhà lãnh đạo tương đối theo chủ nghĩa hòa bình của New Komeito, đảng của ông đã cùng liên minh với Đảng Dân chủ Tự do để đưa lãnh đạo của đảng này, ông Shinzo Abe trở lại với chức vụ thủ tướng.
Trung Quốc luôn khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của mình và không đồng ý những tranh chấp về vấn đề này. Những hòn đảo được đặt dưới sự kiểm soát của Nhật Bản vào năm 1895 và là một phần trong hiệp ước với Mỹ về các khu vực chiếm đóng quân sự từ năm 1945 đến 1972. Sau thời gian đó, quần đảo được Tokyo tiếp quản từ chính quyền Mỹ trong sự phản đối của Trung Quốc và Đài Loan.
Trung Quốc đã yêu cầu Liên Hợp Quốc xem xét vào cuối năm nay về những giá trị khoa học cũng như pháp lý về yêu sách của nước này đối với quần đảo tranh chấp như là một phần mở rộng tự nhiên của thềm lục địa nước này theo quy ước của Liên Hợp Quốc. Nhật Bản khẳng định các bên không liên quan không nên tham gia vào tranh chấp.