Trà Vinh đặt mục tiêu trở thành một trong các tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển
Trong 5 năm tới 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 Trà Vinh đặt mục tiêu vươn lên trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện mục tiêu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh đã quyết tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý.
Trước hết, tỉnh Trà Vinh xác định vùng phát triển kinh tế biển gồm 5 đơn vị cấp huyện ven biển với diện tích 152.256 ha (gần 65% diện tích toàn tỉnh), tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm giao thương và năng lượng của Đồng bằng sông Cửu Long (nuôi trồng, khai thác và chế biển thủy hải sản, du lịch biển, công nghiệp ven biển, cảng biển, dịch vụ vận tải biển, logistics, kho ngoại quan, khu phi thuế quan, khu dịch vụ công nghiệp...).
Trà Vinh đặt mục tiêu là một trong các tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL.(Ảnh: TTXVN) |
Thứ hai, tỉnh chủ động rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển của tỉnh và các tỉnh lân cận. Bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển, định hướng nâng cấp thị xã Duyên Hải lên thành phố, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu kinh tế Định An, phấn đấu đến năm 2030 trở thành cửa ngõ giao thông hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Bộ.
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp lý về biển nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động kinh tế, khoa học - công nghệ... liên quan đến biển. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao bao gồm cán bộ nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; cán bộ quản lý và đội ngũ lao động được đào tạo chuyên sâu về các nghề như hàng hải, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, du lịch biển... đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển.
Thứ ba, tỉnh cũng tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản và nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản; tăng cường các hoạt động bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, kết hợp khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng (tập trung phát triển con tôm, cua biển, cá, các loài nhuyễn thể, trong đó chú trọng nuôi tôm thâm canh mật độ cao, nuôi thủy sản kết hợp với trồng rừng), khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thứ tư, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ven biển, nhất là công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Xác định ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ; tranh thủ Chính phủ và Bộ ngành trung ương đưa các dự án, công trình đầu tư phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030….
Thứ năm, tỉnh tranh thủ các nguồn lực từ bộ, ngành Trung ương, từ các doanh nghiệp và ngân sách tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Định An, kiến nghị Trung ương sớm thi công cầu Đại Ngãi, đầu tư các tuyến đường hành lang ven biển; hoàn thiện Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, nạo vét sông Cổ Chiên; Đầu tư hoàn thành Khu dịch vụ công nghiệp Ngũ Lạc. Kêu gọi đầu tư Cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối giao thông với các tỉnh, thành trong khu vực và nước ngoài…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển du lịch biển, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan điện gió; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử.
Minh Thư