TP.HCM: Xử phạt 1,5 triệu đồng vì không chịu diệt lăng quăng
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết và virus Zika |
Sẽ áp dụng mức phạt cao nhất nếu tái phạm
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, Thủ Đức là quận bị phạt nhiều nhất với 24 trường hợp. Tiếp theo là quận Bình Tân với 16 trường hợp, quận Tân Phú với 10 trường hợp.
So sánh với năm 2015 cho thấy, năm trước chỉ có 3 quận ra quyết định xử phạt với tổng cộng 55 trường hợp.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho biết: “UBND phường đã ra quyết định phạt 6 trường hợp không tham gia phòng, chống dịch bệnh sau khi đã nhắc nhở, mỗi trường hợp phạt từ 750.000 đến 1,5 triệu đồng. Sau khi ra quyết định, UBND phường gửi quyết định xử phạt tới tổ dân phố. Trong buổi họp, tổ trưởng sẽ nêu tên người bị phạt để mọi người cùng biết”.
Theo ông Tú, các hộ dân và cơ sở kinh doanh này đã vi phạm với hành vi thải bỏ các chất và vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch, UBND phường sẽ tái kiểm tra những trường hợp đã bị phạt. Nếu tiếp tục tái phạm, UBND phường sẽ ra quyết định phạt lần hai với khung phạt cao nhất.
Trước đó, phường đã thành lập đoàn vận động, gửi văn bản về việc diệt lăng quăng phòng chống Zika cho tổ trưởng các tổ dân phố để phổ biến cho người dân, các cơ sở kinh doanh. Thấy hộ nào chưa diệt lăng quăng, đổ bỏ các lu hũ chứa nước ngoài trời... đoàn vận động sẽ nhắc nhở. Với những tuyến kênh rạch, mương lớn, phường sẽ phối hợp với Trung tâm chống ngập, UBND quận để diệt lăng quăng.
11 tháng đầu năm 2015, quận Thủ Đức ghi nhận 1.595 ca mắc sốt xuất huyết. Năm 2016, do mạnh tay phạt 24 trường hợp không tham gia diệt lăng quăng nên trên địa bàn quận chỉ ghi nhận 1.280 ca mắc sốt xuất huyết, giảm gần 20%.
Còn nhiều hạn chế
Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó Khoản 2, mục b, điều 11 của nghị định này quy định: nếu không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Theo cảnh báo của ngành y tế thành phố, sốt xuất huyết và Zika là dịch bệnh đang lưu hành trên địa bàn và có thể lây lan bất cứ lúc nào nếu có điều kiện thuận lợi. Do đó nếu để những vật chứa, đựng có lăng quăng - điều kiện thuận lợi để lây lan dịch bệnh - được xem là hành vi vi phạm theo nghị định 176.
Những điểm nguy cơ đó có thể là công trình xây dựng, vựa ve chai, quán cà phê sân vườn, nhà hàng có nhiều cây kiểng, nơi bán hòn non bộ... có những vật chứa tạo thuận lợi cho muỗi, lăng quăng phát triển.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, việc triển khai để áp dụng, thực thi pháp luật, chế tài hành vi vi phạm ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ.
Mặc dù số trường hợp xử phạt của năm 2016 cao hơn năm 2015 nhưng cũng chủ yếu là xử phạt trong hai tháng 10 và 11/2016, khi bệnh do virus Zika đã lây lan ra nhiều quận, huyện.
BS Nguyễn Trí Dũng cho biết tại tất cả các buổi làm việc về công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, ngành y tế, cơ quan y tế dự phòng đều đề nghị UBND các địa phương phải triển khai nội dung xử phạt này sau khi đã thực hiện các biện pháp như tuyên truyền, vận động, nhắc nhở.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, số trường hợp bị phạt do không tham gia phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika chưa nhiều. Do vậy, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Tư pháp TP hỗ trợ xây dựng quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống dịch bệnh và phối hợp hướng dẫn cho toàn thành phố.
Đồng thời đưa thông tin mức độ xử phạt vào tờ rơi và các pano trên đường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi, cắt đứt nguồn lây truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.