TP.HCM: Tăng cường bác sĩ về các trạm y tế để thu hút người dân
Theo bác sĩ Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 (đơn vị chủ quản của hệ thống các trạm y tế trên địa bàn quận), hầu hết các trạm y tế đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và thậm chí cả trang thiết bị hiện đại như máy đo điện tim, máy siêu âm...
Tuy nhiên, theo ông Phước, do nhân lực bác sĩ, uy tín của trạm y tế chưa có nên chưa thu hút người bệnh. Trong khi hiện nay, theo quy định về thông tuyến khám BHYT thì người dân được hưởng quyền lợi khi khám ở bệnh viện hay ở trạm y tế như nhau.
Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc đưa phòng khám bệnh viện về trạm y tế là mô hình đúng hướng, tiếp cận đúng đối tượng và gần dân hơn. TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về mô hình này, nhờ vậy mà chất lượng khám chữa bệnh ở các trạm y tế nâng lên, người dân tin tưởng hơn.
Không chỉ khám, thuốc BHYT cũng sẽ được chuyển đến trạm y tế để cấp phát cho người dân kịp thời. Tuy nhiên, với nhân lực hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ, lại kiêm nhiệm quá nhiều công việc nên ít có thời gian khám chữa bệnh. Kể cả khi trạm y tế được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại thì cũng rất ít được sử dụng do thiếu nhân lực.
Do đó, Sở Y tế sẽ phân công bác sĩ sau khi tốt nghiệp về tuyến cơ sở, đẩy mạnh triển khai mô hình kết hợp viện - trường giữa ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch với Bệnh viện Nhân dân 115 giúp sinh viên y khoa vừa học tập, vừa thực hành, trang bị vững vàng kiến thức từ khi còn đang học.
Theo GS Nguyễn Tấn Bỉnh, sắp tới thành phố sẽ nhân rộng mô hình đưa bác sĩ luân phiên xuống trạm y tế, phấn đấu đến năm 2018 triển khai được 1.000 phòng khám vệ tinh tại các trạm y tế; năm 2020 sẽ tăng lên ít nhất 1.500 phòng khám.