TP.HCM khen thưởng lực lượng chống dịch sẽ không bỏ sót ai
Sáng 29/10, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác của TP.HCM đã đến Bộ Y tế làm việc, gặp mặt tri ân các lực lượng y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.
Không thể đong đếm hết hi sinh
Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ, ông Nên cho biết đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 TP. HCM đã bắt đầu ổn định. Đây cũng là thời điểm thích hợp để TP.HCM tri ân lực lượng tham gia chống dịch giúp TP.HCM trong suốt thời gian qua.
Bí thư Thành ủy muốn bày tỏ tình cảm sâu sắc và lời cảm ơn chân thành, trước hết là với đội ngũ y bác sĩ - chiến sĩ áo trắng đã có mặt nơi tuyến đầu bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh vượt mọi khó khăn. Cuộc huy động nhân viên y tế với con số lên tới hơn 25.000 người là cuộc huy động lực lượng lớn nhất từ sau chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông Nên cho biết TP.HCM vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của lực lượng nhân viên y tế khắp cả nước.
Mặc dù chưa có tổng kết, chưa có sơ kết đầy đủ toàn diện nhưng chúng ta nhìn thấy được hình ảnh, tấm gương, sự hy sinh dù âm thầm lặng lẽ
Hơn 25 nghìn người đã tham gia hỗ trợ chống Covid-19 tại TP.HCM |
ở từng trận tuyến. Nhân dân thấy được, đất nước thấy được ngành y tế cả nước đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ chưa từng có – ông Nên cho biết.Nói về dịch tại TP.HCM, ông Nên tâm sự đây là đợt dịch lớn nhất trong lịch sử ông gặp. Nhiều bác sĩ, giáo sư già đã “gần đất xa trời” cũng nói với ông Nên rằng dịch dã khủng khiếp quá. Có những lúc mọi người loay hoay không biết làm như thế nào với virus biến chủng mới.
Ông Nên xúc động nói “ Có thể năm tháng sẽ đi qua nhưng chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh nhân viên y tế của gần 40 đoàn từ các tỉnh, các trường học, các vùng miền... có mặt tại đây. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến BV Bạch Mai, BV Việt Đức. Trong thời khắc khó khăn, các đồng chí vẫn tranh thủ thời gian để đào tạo đội ngũ tại chiến trường... Chúng tôi cố gắng chỉ đạo, cố gắng ghi nhận công lao không để sót ai, không có một quy định nào như bao nhiêu % mới được khen thưởng vì dịch đã vượt mức thì việc khen thưởng cũng khác”.
Người về từ tâm dịch
GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức – là người "chỉ huy" Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thiết lập tại BV Dã chiến số 13 của TP. HCM cũng không thể nào quên được cảm xúc hơn 2 tháng tại TP.HCM.
GS Giang cho biết ngay trong tối 27/7, ông nhận được điện thoại của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc điều nhân lực vào TP. HCM để thiết lập, vận hành 1 Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. Ngay sáng 28/7, GS Giang đã vào TP.HCM để khảo sát. Ông đã khảo sát tại Thủ Đức và Bình Chánh sau đó chọn khu vực Bình Chánh.
Tâm sự về thời gian ấy, GS Giang chia sẻ "Lúc đầu tôi cũng chưa hình dung ra được thiết lập thế nào, vận hành ra sao, nhưng TP.HCM đã chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để việc thiết lập được nhanh chóng...
Ban đầu GS Giang dự kiến "anh em Việt Đức" phải ở lại 4- 6 tháng cùng thành phố, nhưng chỉ 2,5 tháng BV Việt Đức đã rút quân, để khống chế dịch bệnh tại một thành phố hơn 10 triệu người dân không dễ, nhưng thành phố đã làm được điều đó. Thành quả này có rất nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi cho rằng trong đó sự vào cuộc đồng bộ, chỉ huy quyết liệt của Thành phố là rất quan trọng.
Việc xây dựng các trung tâm điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 tại TP .HCM cũng là biện pháp góp phần làm nên thành công của chiến dịch chống Covid-19 vừa qua. GS Giang cho biết các trung tâm này đã tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng để tuyến dưới của Thành phố tập trung điều trị ca nhẹ. Rồi chiến lược túi thuốc tận nhà, trạm y tế lưu động…. cùng nhiều cách làm khác đã giúp thành phố chiến thắng dịch bệnh.
Hơn 600 cán bộ, nhân viên y tế của BV Việt Đức và gần 200 nhân viên y tế của BV Phụ sản TW, BV Việt Đức đã cùng nhau duy trì, vận hành hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19.
TS Nguyễn Vũ Trung - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Củ Chi (TP.HCM) xúc động kể về nghĩa tình của cán bộ và người dân địa phương đối với lực lượng chi viện.
"Bản thân tôi chưa bao giờ tham gia chiến dịch đặc biệt như vậy. Tôi có may mắn có thời gian công tác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và cũng trải qua nhiều đợt phòng chống dịch như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, đợt dịch Covid-19 thứ nhất và hai, tuy nhiên đợt dịch Covid-19 lần này rất đặc biệt. Có những bài học mãi mãi không bao giờ quên được, con đường tôi đã đi, những suất cơm, cân táo được người dân Củ Chi đùm bọc cán bộ y tế chi viện…", TS Trung nhớ lại.
Khánh Chi