TP.HCM: Giá thuốc đấu thầu không được chênh quá 5%
Không để bệnh viện thiếu thuốc
ThS Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, đấu thầu thuốc chuyển sang hình thức đấu thầu riêng lẻ. Sở Y tế chỉ tổ chức đấu thầu tập trung 178 thuốc tân dược có trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia.
Năm 2016, danh mục thuốc được chia thành 5 gói thầu: Gói thầu thuốc theo tên biệt dược; gói thầu thuốc theo tên generic; gói thầu thuốc cổ truyền; gói thầu dược liệu và gói thầu vị thuốc cổ truyền.
Các bệnh viện sẽ tự xây dựng danh mục thuốc và đấu thầu riêng lẻ thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu, thuốc tân dược... dưới sự kiểm soát và góp ý của các hội đồng thuốc điều trị của bệnh viện, hội đồng tư vấn chuyên môn của ngành.
Ngoài ra, lần đầu tiên các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp được phản biện danh mục thuốc mua sắm của ngành y tế TP.HCM. Và sau nhiều lần tham mưu, UBND TP đã chính thức ủy quyền cho giám đốc Sở Y tế TP.HCM được phép ký quyết định phê duyệt nhà thầu của toàn thành phố, trong đó có Trung tâm mua sắm và các bệnh viện.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong công tác đấu thầu thuốc riêng lẻ, Sở Y tế TP.HCM và UBND TP đã thống nhất chỉ cho phép chênh lệch giá thuốc giữa các hội đồng thầu là không quá 5% trong vòng sáu tháng kể từ ngày xuất hiện kết quả đấu thầu thuốc đầu tiên, tránh sự chênh lệch thuốc quá lớn trong đấu thầu riêng lẻ, ảnh hưởng đến người bệnh. Mục tiêu lớn nhất là không để bệnh viện thiếu thuốc.
Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay toàn thành phố có 59 đơn vị xây dựng kế hoạch đấu thầu, trong đó 32 đơn vị đấu thầu riêng lẻ theo hình thức rộng rãi.
Hai bệnh viện quận, huyện là bệnh viện quận Thủ Đức và bệnh viện quận 2 đầy đủ tiêu chuẩn đấu thầu riêng lẻ theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Còn các bệnh viện tuyến quận, huyện khác sẽ chờ kết quả của 32 hội đồng thầu TP.HCM sau đó áp thầu mua sắm thuốc.
Toàn thành phố thực hiện 163 gói thầu với nhiều loại khác nhau. Dự kiến tổng giá trị thuốc đấu thầu cho toàn TP.HCM năm 2016 là hơn 9.535 tỉ đồng theo giá kế hoạch đã được phê duyệt.
Chậm nhất hết quý I/2017 sẽ có đầy đủ kết quả của 32 hội đồng thầu. Tất cả kết quả này đều được công khai minh bạch trên trang website của Sở Y tế để các bệnh viện có cơ sở để áp thầu.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi hình thức đấu thầu từ tập trung sang riêng lẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đấu thầu thuốc tập trung giúp tiết kiệm được chi phí nhưng không phù hợp với thị trường rộng lớn với nhiều doanh nghiệp dược và nhiều bệnh viện như TP.HCM.
Bởi lẽ, kết quả đấu thầu tập trung sẽ chỉ có một vài đơn vị trúng thầu, như vậy nguy cơ đứt hàng, thiếu thuốc có thể sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp trúng thầu xảy ra sự cố. Mặt khác, đấu thầu riêng lẻ sẽ giúp các bác sỹ có nhiều sự lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh.
Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu thuốc năm 2016, các đơn vị được phép gia hạn hợp đồng mua bán đã ký kết với các nhà thầu đến hết tháng 31/12/2016. Tuy nhiên, các đơn vị này phải đàm phán lại giá thuốc nếu có giá thuốc trúng thầu mới thấp hơn giá thuốc đã trúng thầu tập trung trong năm 2015.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu, danh mục thuốc đấu thầu của các bệnh viện cần phải đảm bảo tỷ lệ cân đối hợp lý giữa các nhóm thuốc, loại thuốc, số lượng phù hợp với phác đồ điều trị, khả năng tài chính và đặc biệt là ưu tiên sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng sẽ điều chuyển nguồn thuốc dự trữ đến các bệnh viện nhằm đảm bảo đủ nguồn thuốc để điều trị cho người dân.
Về vấn đề tỷ lệ thuốc nội - ngoại trong danh mục đấu thầu thuốc, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định, Sở yêu cầu các đơn vị không chào thầu thuốc ngoại nhập đối với những loại thuốc trong nước đã cung ứng đủ nhu cầu.
Tại TP.HCM hiện nay, tỷ lệ dùng thuốc Việt Nam trong điều trị tại các bệnh viện đạt bình quân 48%. Tỷ lệ này cao hơn ở các bệnh viện tuyến cơ sở như bệnh viện quận, huyện là 60%, trong khi đó ở các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối thì tỷ lệ sử dụng thuốc ngoại nhập cao hơn do tính chất, mức độ, tình trạng bệnh.