TP.HCM: Dịch tay chân miệng lẫn dịch sởi hoành hành
![]() |
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong những ngày đầu tháng 5 cho thấy, số ca mắc bệnh tay – chân – miệng (TCM) gia tăng nhanh chóng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 50 ca mắc TCM, trong đó có 1 trường hợp bị biến chứng nặng gây tổn thương thùy não. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 5 – 10 ca mới.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, tính từ đầu năm đến nay đã có 429 trường hợp mắc TCM. Hiện tại số ca đang điều trị tại bệnh viện là 41 ca với hơn 50% số ca được chuyển lên từ các tỉnh.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhiệt đới, số ca điều trị dao động từ 30 – 50 ca/ngày. Trong đó, có từ 1 – 2 trường hợp chuyển qua độ nặng, phải điều trị tích cực.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày cuối tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 5 – tháng đạt đỉnh dịch lần 1 trong năm 2014.
Trong khi đó, dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đơn cử, tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đang phải điều trị nội trú cho hơn 50 ca mắc sởi. Trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận thêm hơn 20 ca bệnh mới, thậm chí có ngày số ca mắc sởi phải nhập viện lên đến 70 – 80 ca.
Trước tình hình này, nhiều bác sĩ lo ngại tình trạng lây nhiễm chéo cho các bệnh nhi. Bởi theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cả sởi và TCM cùng xảy ra một lúc có thể khiến trẻ cùng lúc nhiễm chéo bệnh, mắc hết bệnh này đến bệnh kia.
Đặc biệt, với TCM, trẻ có thể sẽ mắc lại nhiều lần. Thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ hơn 9 tháng tuổi đến điều trị tại các bệnh viện tuyến trên TP.HCM do mắc các bệnh như TCM. Song do chưa tiêm mũi sởi nên lây thêm bệnh sởi và thành biến chứng nặng, phải điều trị tích cực trong phòng cách ly.
BS Lê Phan Kim Thoa, Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, với bệnhTCM đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, bệnh lại dễ lây qua đường tiêu hóa, hô hấp. Bởi vậy, dịch bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch như vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân…
Đặc biệt, bệnh TCM có thể mắc nhiều lần đối với một đứa trẻ và có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, xuất huyết, phù phổi… Do đó, khi trẻ có dấu hiệu như khó thở, nôn mửa, giật mình khi ngủ là những biểu hiện có thể dẫn đến biến chứng nặng. Nên phụ huynh cần đưa trẻ đến các bệnh viện khám và điều trị ngay.
BS Thoa cũng lưu ý, nhiều phụ huynh có thể lầm tưởng giữa TCM và thủy đậu vì các triệu chứng của 2 bệnh này khá giống nhau do đều có các nốt ban đỏ và mụn nước. Thế nên, các bậc phụ huynh cần nắm rõ, thủy đậu có các nốt ban đỏ, nước xuất hiện tập trung ở vùng thân. Trong khi TCM các nốt ban xuất hiện nhiều ở quanh miệng và chân, tay.