TP.HCM: 86 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục
Nhiều vụ xâm hại trẻ em đã được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây. (Hình minh họa: Ông Nguyễn Hữu Linh ôm hôn một bé gái trong thang máy chung cư) |
Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2019, TP có hơn 2 triệu trẻ em, trong đó có 11.392 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 30.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Về tình hình xâm hại trẻ em, TP nhấn mạnh đây đang là vấn nạn của xã hội, có khả năng xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, ở thành thị và nông thôn. Trẻ bị xâm hại phải hứng chịu những rủi ro lớn hơn trong suốt cuộc đời về những vấn đề tâm thần, thể chất và hành vi, kết quả học tập kém hơn và có tỷ lệ thất nghiệp, tù tội và khuyết tật cao hơn.
Tuy nhiên, TP cho rằng hiện nay việc thiếu thông tin dữ liệu đáng tin cậy và thiếu nghiên cứu về nguyên nhân của xâm hại trẻ em dẫn đến việc xây dựng các chương trình phòng ngừa, ứng phó hiệu quả gặp nhiều khó khăn, thách thức, vì những hành vi xâm hại trẻ em đa phần bị che giấu, giữ bí mật.
Số liệu cho thấy trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014 trên địa bàn thành phố xảy ra 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc xâm hại tình dục.
Ở giai đoạn 2015 đến tháng 6/2019, TP xảy ra 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (43 trẻ em trai và 739 trẻ em gái), trong đó có 50 trẻ bị bạo lực, 695 trẻ bị xâm hại tình dục.
UBND TP.HCM nhận định, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, từ người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp đến những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội và tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.
Một đặc điểm khác là phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình, người thân…, một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.
Đặc biệt, nếu như trước đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động, thì gần đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em còn diễn ra tại các khu vực công cộng như chung cư, trường học, công viên.
Việc ghi nhận thông tin khách lưu trú (giữ giấy tờ tùy thân, vào sổ lưu trú...) của các khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ không được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, do đó, khi xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì công tác thu thập, xác minh, củng cố chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế.
Báo cáo của Công an TP cho thấy trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên có 6 trẻ tử vong, 6 trẻ bị thương tật, 14 trẻ bị rối loạn tâm thần và 86 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục.
Đánh giá về hậu quả của các hành vi xâm hại, TP cho rằng việc này ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, một bộ phận nữ giới không dám gửi con em mình cho những người đàn ông trong gia đình/họ hàng/hàng xóm trông coi, dẫn đến tình trạng phụ nữ chịu thêm gánh nặng kép trong việc bảo vệ con em họ, đôi khi mất đi cơ hội việc làm và thu nhập.