TP.HCM: 432 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá “bẩn”
Vận chuyển nước đá không đảm bảo vệ sinh |
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, trong tổng số 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá trên địa bàn TP.HCM, chỉ có 115 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Còn lại 432 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá không phép trải dài từ Q.2, Q.7, Q.9, quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi…
Theo kết quả kiểm tra mới đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM và các đoàn kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm ở các quận, huyện cho thấy, trong tổng số 193 cơ sở sản xuất nước đá thì chỉ có 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy (trong đó có 27 cơ sở chưa xác minh được nguồn nước máy sử dụng), còn lại là 114 cơ sở trực tiếp bơm nước giếng để sản xuất đá.
Đáng nói, trong 114 cơ sở sử dụng nước giếng để sản xuất đá chỉ có 37 cơ sở thực hiện xét nghiệm nguồn nước đầy đủ các tiêu chí; 13 cơ sở có xét nghiệm một vài chỉ tiêu thông thường; ngoài ra có đến 64 cơ sở không thực hiện xét nghiệm nguồn nước.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thực hiện nhiều xét nghiệm các mẫu nước đá trên địa bàn, có tới 54,5% mẫu bị nhiễm khuẩn (E.coli, Coliforms, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa…), không đạt chỉ tiêu.
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... sẽ gây chết người.
Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.