TP HCM sắp mở lại chợ truyền thống
Trong kế hoạch từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, TP HCM sẽ sớm mở lại kênh phân phối truyền thống an toàn.
Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống , chợ đầu mối. Đây được đánh giá là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.
Nhiều người hào hứng vì được... đi chợ
Sáng 26-9, khoảng 400 người dân phường 10, quận 5, TP HCM hồ hởi đi mua thực phẩm thiết yếu tại khu "chợ dã chiến" trên đường Tản Đà. Tại đây, 10 gian hàng được bố trí bán hơn 200 mặt hàng thiết yếu thuộc các nhóm rau củ quả, gia vị tươi, thực phẩm khô, trái cây, hóa phẩm, thịt heo, thịt bò, gà, sữa, dầu ăn, bột, thực phẩm chế biến và cả gà quay với giá bình ổn cho người dân trong phường.
Các khâu kiểm soát y tế, thu phiếu đi chợ, phát phiếu mua hàng… được tổ chức bài bản, người dân trật tự xếp hàng mua sắm. Qua lớp khẩu trang, nhiều người không giấu được vẻ phấn khởi vì được tự do đi chợ, chọn cho bản thân và gia đình những món hàng ưng ý.
Trước khu "chợ dã chiến" này, ngày 22-9, UBND quận 5 đã tổ chức chợ lưu động nhỏ trên đường Trần Bình Trọng, phường 3. Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND quận 5, cho biết chủ trương của quận là giữ ổn định giá trong thời gian thành phố còn thực hiện giãn cách xã hội. Từ nay đến ngày 30-9, quận 5 sẽ duy trì hình thức "chợ dã chiến" để cung cấp hàng hóa với giá không có lợi nhuận cho người dân trên địa bàn.
Sau ngày 30-9, tùy diễn biến của dịch bệnh và chủ trương của thành phố, quận sẽ từng bước mở lại hoạt động các chợ truyền thống. Thông tin từ Phòng Kinh tế quận 5 cho hay quận đang chuẩn bị dần cơ sở vật chất để mở cửa lại các chợ trên địa bàn, bước đầu có thể sẽ mở cửa 2 chợ Hòa Bình và An Đông.
Không chọn cách tự đứng ra tổ chức lực lượng cung ứng hàng cho người dân như quận 5, mới đây, UBND xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đã phối hợp cùng Co.opmart Củ Chi mang thực phẩm, hàng thiết yếu đến bán lưu động cho người dân trong xã. Trong mỗi buổi bán lưu động đều có khoảng 300-400 người dân đến xếp hàng mua sắm.
Nhiều người sau khi mua hàng còn nán lại hỏi thăm chừng nào được "đi chợ" lần nữa. Hơn 6 tấn hàng (chủ yếu là thực phẩm tươi sống) được người dân xã "vùng xanh" này tiêu thụ hết trong 3 ngày bán hàng lưu động, cho thấy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, thực phẩm lẫn đi chợ, mua sắm bình thường trở lại trong dân là rất lớn.
Người dân quận 5, TP HCM hào hứng mua sắm tại chợ lưu động ở phường 3 Ảnh: Hoàng Triều |
Đã chuẩn bị sẵn sàng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một số quận, huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TP HCM cho biết đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại các hoạt động đang bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối (gọi tắt là công ty chợ) đã xây dựng kế hoạch mở lại chợ với lộ trình từng bước, mục tiêu đến cuối năm có thể phục hồi 100% hoạt động.
Sau gần 3 tháng đóng cửa, tạm ngưng hoạt động vì có ca mắc Covid-19, các chợ đầu mối đã mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, các công ty chợ cho hay đến nay, lượng hàng tập kết về các điểm trung chuyển hằng đêm rất hạn chế, trung bình chỉ trên dưới 800 tấn/đêm, có đêm chỉ hơn 300 tấn.
"Hàng hóa tại chợ đầu mối chủ yếu phân bổ về các chợ truyền thống, một số trong đó tiếp tục chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh. Do hơn 90% chợ truyền thống tại TP HCM đang đóng cửa, việc vận chuyển đi tỉnh chưa được phục hồi nên đầu ra cho hàng hóa tại chợ đầu mối bị thu hẹp trầm trọng" - các công ty chợ phân tích.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết theo chỉ đạo của UBND TP HCM, công ty sẽ xây dựng lộ trình từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế.
"Chúng tôi sẽ mở từng bước, ban đầu là 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được phủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ Tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM ban hành" - ông Dũng thông tin.
Cũng theo ông Dũng, rất nhiều thương nhân đã liên hệ công ty để hỏi thăm thông tin, tha thiết được mở ô vựa hoạt động trở lại. Bản thân thương nhân, người lao động cũng lo ngại nhiễm bệnh nên rất có ý thức phòng bệnh, thực hiện tốt 5K.
Về lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống, Sở Công Thương TP HCM khẳng định thành phố không có chủ trương đóng cửa chợ. Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các quận, huyện, TP Thủ Đức đã đóng cửa các chợ nhằm tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch.
"Kế hoạch của TP HCM là sau ngày 30-9 sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). TP HCM cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ xây dựng lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống" - đại diện Sở Công Thương nói.
Theo đại diện Sở Công Thương TP HCM, việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mở lại các hoạt động thương mại, dịch vụ để "sống chung với dịch" là cần thiết. Riêng với hoạt động tại chợ đầu mối và chợ truyền thống, cần đẩy nhanh tiến độ mở lại chợ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, ổn định giá chung cho toàn xã hội.
"Chợ hoạt động trở lại, vận chuyển hàng hóa được khai thông sẽ mở lại nguồn cung hàng hóa ổn định cho TP HCM. Khi hàng hóa dồi dào, người dân có "thẻ xanh" được đi lại mua sắm tự do thì giá cả hàng hóa sẽ giảm, giá cước shipper cũng được kéo xuống mức hợp lý hơn. Tuy nhiên, về trung hạn, các quận, huyện, TP Thủ Đức cần có chính sách hỗ trợ các ban quản lý chợ sắp xếp, cấu trúc lại chợ cho phù hợp điều kiện mới" - một chuyên gia bán lẻ phân tích. Chuyên gia này gợi ý có thể hướng tới tự động hóa chợ, giúp cho môi trường chợ an toàn, tiện lợi hơn. Đây có thể là giải pháp trung hạn nhưng cần lưu ý thực hiện càng sớm càng tốt.
TP.HCM: Đơn hàng "đi chợ hộ" bất ngờ giảm gần 50%
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phổ biến mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân.
Theo Người lao động