Top 10 sự kiện quân sự nổi bật nhất
Tạp chí “Độc lập” của Nga đã liệt kê 10 sự kiện quân sự được cho là nổi bật nhất trong năm 2015.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu trong lễ duyệt binh hôm 9/5 |
1. Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít trên Quảng trường Đỏ của Nga
Cuộc duyệt binh quân sự nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít được tổ chức hoành tráng trên Quảng trường Đỏ lịch sử ở Moscow, Nga vào ngày 9/5. Cuộc duyệt binh này được tổ chức trong bối cảnh các nhà lãnh đạo các nước phương Tây tẩy chay để phản đối các hành động của Nga trong vấn đề Ukraine. Đây là lần đầu tiên trong vòng 70 năm qua các nhà lãnh đạo Đức, Nhật và đồng minh trong thế chiến lần 2 không tham dự vào buổi duyệt binh mừng chiến thắng.
Cuộc diễu binh lần này được coi là lớn nhất trong lịch sử khi có đến 16 nghìn quân nhân, 143 máy bay, trực thăng, 194 phương tiện bọc thép, các tổ hợp tên lửa chiến thuật - chiến dịch “Iskander-M”, các tổ hợp pháo tự hành “Msta-S”, các tổ hợp phòng không hiện đại như “Tor-M2U”, “Pantsir-S1”, S-400 Triumf, xe tăng T-90…
Đặc biệt, thu hút sự chú ý nhất là các mẫu vũ khí mới được Nga thiết kế, chế tạo như xe tăng Armata-14, xe bọc thép tác chiến hạng nặng, tổ hợp pháo tự hành “Koalitsia-SV”…
2. Tổ chức Hội thao quân sự “ArMI-2015”
ArMI-2015 được tổ chức từ ngày 1-15/8 với 14 cuộc thi các kỹ năng tác chiến trên biển, trên không và trên đất liền với sự tham gia của 57 sỹ quan chỉ huy đến từ 17 nước và gần 2 nghìn binh lính. Tổng cộng đã có 480 huy chương được trao và đoàn Nga giành giải nhất toàn đoàn.
Các cuộc thi được tổ chức trên các thao trường ở 3 quân khu (phía Tây, Trung Tâm và phía Nam) với địa bàn trải dài ra 10 khu vực chủ thể liên bang của Nga. Theo dự kiến, hội thao kiểu này sẽ được tổ chức hàng năm ở các quốc gia khác nhau hoặc được tổ chức tại Nga theo thể thức Olympic (4 năm/lần).
3. Nga thành lập lực lượng Không quân-Vũ trụ
Ngày 1/8 là ngày Tổng thống Nga Putin ban hành sắc lệnh thành lập Lực lượng Không quân - Vũ trụ (VKS). Trong thành phần cả VKS có các lực lượng Không quân, lực lượng Vũ trụ, các lực lượng phòng không và phòng thủ chống tên lửa.
Chiến đấu cơ Su-34 của Không quân Nga. |
Đây là lực lượng có chức năng điều hành tác chiến đối với các lực lượng Không quân Nga, phòng không và phòng thủ chống tên lửa, tiến hành các hoạt động bảo vệ không phận, không gian vũ trụ của Nga, điều hành việc phóng các tên lửa, phóng các vệ tinh lên quỹ đạo cũng như chỉ huy hệ thống cảnh báo về các đòn tấn công tên lửa với nước Nga.
Theo giới phân tích Nga, việc thành lập VKS là rất cần thiết trong bối cảnh Lầu Năm góc đẩy mạnh thực hiện chiến lược quân sự “tấn công phủ đầu chớp nhoáng toàn cầu” và lên kế hoạch bố trí các thiết bị tấn công từ không gian vũ trụ gần trái đất.
Thượng tướng Viktor Bondarev, tư lệnh lực lượng Không quân được bổ nhiệm làm Tư lệnh VKS.
4. Bố trí xong 6 căn cứ quân sự ở Bắc Cực
Trong tháng 1.2015, Nga đã thực hiện xong các biện pháp thành lập Bộ tư lệnh chiến lược thống nhất “phương Bắc”. Đây được coi là “quân khu thứ 5” của Nga với thành phần trực thuộc gồm có các lực lượng của Hạm đội phương Bắc, một phần của lực lượng VKS và lục quân. Khu vực chịu trách nhiệm của lực lượng này là toàn bộ lãnh thổ phía bắc Cực của Nga.
Hiện Nga đã có tổng cộng 6 căn cứ quân sự tại Bắc Cực.
5. Diễn đàn “Quân sự-2015”
Diễn đàn “Quân sự-2015” được tổ chức từ ngày 16-19/6. Trong diễn đàn này, Nga đã trưng bày các mẫu vũ khí, kỹ thuật quân sự mới nhất, tổ chức hơn 90 diễn đàn bàn tròn với sự tham gia của hơn 800 xí nghiệp quốc phòng đến từ 70 nước. Tổng cộng có khoảng 7 nghìn mẫu vũ khí, kỹ thuật quân sự được trưng bày.
6. Triển lãm MAKS-2015
Triển lãm hàng không-vũ trụ Moscow 2015 (MAKS) được tổ chức từ 25-30/8 với sự tham gia của 104 xí nghiệp quốc phòng cùng 11 gian hàng lớn. Tâm điểm lần này là các radar dành cho các máy bay tiêm kích thế hệ 5 (PAK FA).
Ngoài ra, MAKS-2015 còn là nơi trưng bày nhiều mẫu vũ khí, kỹ thuật quân sự mới nhất như các thiết bị bay không người lái, các mẫu vũ khí độ chính xác cao mới nhất.
7. Chiến dịch không kích IS ở Syria
Sau khi Tổng thống Syria al-Assad chính thức đề nghị giúp đỡ, ngày 30/9 là thời điểm VKS của Nga bắt đầu thực hiện các chiến dịch không kích vào các vị trí của lực lượng IS trên lãnh thổ Syria. Lực lượng Nga được bố trí tại căn cứ Hmeymim ở tỉnh Latakia.
Máy bay ném bom Su-24 của Không quân Nga đang tham chiến chống IS tại Syria |
Theo các thông tin khác nhau, tại thời điểm ngày 30/9, lực lượng Nga tham chiến chống IS gồm 12 máy bay ném bom Su-24M, 12 máy bay cường kích Su-25SM, 4 máy bay tiêm kích Su-30 SM, 6 máy bay tiêm kích - ném bom Su-34, cũng như các trực thăng vận tải Mi-24 và Mi-8 MTSH. Ngoài ra, Nga còn triển khai tại căn cứ các tổ hợp tên lửa “Pantsir-S1” và tổ hợp tác chiến điện tử “Krasukh-4”.
Sáng ngày 7/10, các tàu chiến thuộc Hạm đội Caspi của Nga đã phóng 26 tên lửa có cánh “Kalibr” từ biển Caspi, vượt qua hành trình khoảng 1.500 km để tiêu diệt IS. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nga sử dụng các tên lửa có cánh để tiêu diệt đối thủ.
Đến ngày 31/10, máy bay dân sự A321 của Nga trên hành trình từ Ai Cập trở về Saint-Peterburg đã bị rơi tại bán đảo Sinai của Ai Cập khiến toàn bộ 224 người thiệt mạng. Lực lượng IS đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này. Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ tìm ra kẻ tổ chức vụ khủng bố này dù có lẩn trốn ở bất cứ đâu trên toàn cầu.
Ngày 17/11, Nga đã huy động 12 máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-23M, các máy bay Tu-160 (Thiên Nga trắng) và Tu-95 đến phóng tổng cộng 34 tên lửa có cánh Kh-101 (loại tên lửa hiện đại nhất của Nga) để tiêu diệt IS.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã thả tổng cộng 1.400 tấn bom các loại khác nhau và phóng 101 tên lửa có cánh từ trên không và trên biển để tiêu diệt IS.
Ngày 7/12, Nga lần đầu tiên sử dụng tàu ngầm “Rostov-on-Don” thuộc lớp Kilo-636 để phóng các tên lửa có cánh tiêu diệt IS.
8. Bùng phát căng thẳng chính trị-quân sự Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các máy bay tiêm kích F-16C để bắn hạ máy bay ném bom Su-24 M của Nga. Phi công và hoa tiêu của Su-24M đã kịp bung dù nhảy ra ngoài nhưng phiến quân IS đã bắn chết phi công khi đang nhảy dù, chỉ có hoa tiêu được các lực lượng đặc nhiệm Nga và Syria giải cứu thành công. Tổng thống Nga Putin coi hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ là “đâm sau lưng” và quyết định triển khai các hệ thống S-400 đến căn cứ quân sự ở Latakia và cử tuần dương hạm “Moscow” đến Syria để “bảo vệ lực lượng quân sự Nga ở Syria”. Bắt đầu từ 25/11, tất cả các máy bay ném bom của Nga khi đi làm nhiệm vụ đều được các máy bay tiêm kích đi bảo vệ.
Đến ngày 29/11, Tổng thống Putin ban hành sắc lệnh cấm vận kinh tế chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Các sự vụ liên tiếp xảy ra đã khiến quan hệ chính trị-quân sự Nga -Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi đáng kể.
9. Nga bắt đầu cung cấp Su-35 cho Không quân Trung Quốc
Năm 2015 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác kỹ thuật - quân sự Nga - Trung Quốc. Hai bên đã ký kết hợp đồng mua bán 24 máy bay Su-35 (máy bay tiêm kích thế hệ 4++) với tổng giá trị hợp đồng gần 2 tỷ USD (khoảng 83 triệu USD/chiếc), qua đó đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên mua các máy bay Su-35 của Nga.
"siêu chiến đấu cơ" Su-35 của Nga |
Ngoài hợp đồng mua bán Su-35, Nga và Trung Quốc còn có một loạt hợp đồng mua bán các trang thiết bị, vũ khí hiện đại khác như Su-27, S-400, S-300, “Tor”, “Buk”, “Tungusk”, các tàu ngầm động cơ điện-diezel lớp Lada…
10. Xung đột ở Biển Đông
Tranh chấp giành chủ quyền ở khu vực quần đâỏ Trường Sa của Việt Nam đã leo thang lên nấc căng thẳng mới trong năm 2015. Trung Quốc không ngừng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các đảo thuộc khu vực này, đồng thời bắt đầu tiến hành xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo.
Đến tháng 10, Mỹ bắt đầu tích cực hơn trong việc tham gia giải quyết tranh chấp khi cử tàu khu trục USS Lassen đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Mỹ tuyên bố hoàn toàn có quyền đi lại trong khu vực này, trong khi đó Trung Quốc lại tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.