Tổng thống Putin sẽ làm gì tiếp theo khi xung đột Ukraine lại nổ ra?
Mặc dù lãnh đạo các nước, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫn đi tìm phương hướng kết thúc cuộc chiến, xung đột vẫn diễn ra ở miền Đông và con số thương vong ngày một tăng lên.
Giờ đây, ai gây chiến trước không còn là vấn đề đáng lưu tâm nữa khi cuộc chiến vẫn tiếp tục mà vẫn không có hồi kết.
Tổng thống Putin phát biểu tại triển lãm quân sự MAKS-2015. |
Quân ly khai Donetsk và Lugansk giờ đây đã lập nên nhà nước cộng hòa, tách biệt khỏi phần lãnh thổ còn lại ở Ukraine. Phương Tây tin rằng họ là công cụ cần thiết của Nga trong cuộc chiến vì tương lai của Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine không còn là ưu tiên hàng đầu đối với các quan chức ngoại giao Mỹ nữa. Họ đang tập trung thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran. Nhưng theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, một vài quan chức cấp cao đã đánh tín hiệu rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn cải thiện quan hệ lạnh nhạt với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tích cực từ phía Mỹ”, ông Lavrov nói, “mặc dù vẫn chưa rõ ràng”. Khi được hỏi rằng, liệu Nga có chấp nhận cải thiện quan hệ hay không, Ngoại trưởng Nga trả lời rằng nước này “sẽ xem xét triệt để” bất kỳ khả năng nào.
Ông Putin thì tỏ ra lạc quan hơn. Tuần trước, ông nói với cựu Vô địch Quyền Anh Roy Jones, Jr. rằng: “Bất cứ khi nào Mỹ và Nga có lợi ích chung, cả hai đều có động lực để xây dựng quan hệ một cách bền vững”. Có thể hiểu rằng, Tổng thống Nga đang muốn thoát khỏi cái bóng của khủng hoảng Ukraine và khôi phục quan hệ với phương Tây.
Tuy nhiên ông Obama và các cố vấn cấp cao của mình vẫn sợ sẽ phải thất vọng, giống như khi họ biết tin Crimea đã sáp nhập vào Nga vào cuối tháng 2/2014. Họ nghĩ rằng Nga vẫn có thể đưa châu Âu và thế giới vào một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh mới.
Mặc dù Nga không phải là Liên Xô, tầm ảnh hưởng của nước này tại Đông Âu vẫn rất lớn. Những ngày này, những gì xảy ra ở Ukraine được một nhà báo gọi là “một sự bất ổn có kiểm soát”. Truyền thông phương Tây lo ngại ông Putin có thể đưa cuộc xung đột đến hồi kết hoặc có thể leo thang cuộc chiến.
Một binh sĩ quân ly khai diễn tập trên đường phố Donetsk vào tháng 3/2015. |
Vậy, hiện tại Putin đang có ý nghĩ gì? Ông có kế hoạch nào cho những gì sẽ xảy ra?
Theo các chuyên gia, bản thân nước Nga cũng có nhiều vấn đề khiến ông Putin phải đau đầu. Đó có thể là lý do vì sao Lavrov để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với phương Tây, khi nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề sau lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt lên Nga cũng như giá dầu đang giảm. GDP Nga đã giảm 4,9% vào quý II/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, còn tỉ lệ lạm phát có thể sẽ tăng 17%.
Tuy nhiên, mặc dù tình hình đất nước không khả quan, Nga vẫn có thể tự xoay xở được và sẽ không khiến ông Putin bỏ qua Ukraine. Ông biết rằng Ukraine cũng đang đứng trước khả năng đổ vỡ nền kinh tế, cho dù đã có một số bước tiến nhất định. Các quan chức phương Tây lo ngại, với việc có được bán đảo Crimea và nhận được sự ủng hộ ở miền Đông, ông Putin có thể đưa Ukraine rơi vào tình trạng hỗn loạn bất kỳ lúc nào nhằm tách Ukraine khỏi phương Tây.
Thậm chí, các quan chức còn sợ rằng Nga đang đợi thời điểm thích hợp để mở rộng cuộc xung đột ở Ukraine. Quân ly khai ở Donetsk và Lugansk đã có nhiều động thái có thể là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào thành phố cảng Mariupol, hiện vẫn đang thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Kiev.
Các chuyên gia phương Tây tin rằng, trong trương hợp ông Putin tấn công trước, quân ly khai sẽ giành được thành phố Mariupol sau một trận chiến gian khổ. Chính quyền Poroshenko rất có thể sẽ bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.
Không những vậy, phương Tây còn phải mệt mỏi khi Nga có thể tiến công vào vùng Baltic, bắt đầu là ở Estonia, nơi có 24% dân số là người Nga. Do là thành viên của NATO, nếu Estonia bị xâm lược thì Điều V trong hiệp ước Khối quân sự, rằng một cuộc tấn công vào một thành viên của NATO là tấn công vào toàn khối, sẽ có hiệu lực.
Trong một chuyến thăm vùng Baltic, Tổng thống Obama hứa rằng Mỹ sẽ tôn trọng Điều V. Tuy nhiên, Nga cũng lên tiếng phủ nhận rằng họ có ý định xâm lược vùng Baltic.
Liệu ông Putin có dám làm vậy không? Liệu Mỹ, sau những căng thẳng từ cuộc chiến ở Trung Đông sẽ sẵn sàng chiến đấu vì Estonia hay không? Cả hai đều rất khó xảy ra.
Sau cùng, không ai có thể đoán được chiến lược của ông Putin sẽ làm gì, còn cuộc xung đột ở miền Đông vẫn sẽ chưa thể kết thúc ngay được.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…