Tổng thống Putin: Ly khai Ukraine buộc phải cầm súng chống phát xít
Binh đoàn Azov tuyên thệ trung thành với Ukraine tại Quảng trường Sophia (Kiev) trước khi lên đường đến khu vực Donbass (đông Ukraine) |
Trong khi Kiev tiếp tục tận dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lực lượng ở miền đông Ukraine và sử dụng các nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm tiểu đoàn vũ trang, Tổng thống Nga đã bày tỏ lo ngại về khả năng diễn ra các cuộc thanh lọc sắc tộc ở khu vực này trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa phát xít mới.
Nói chuyện với biên tập viên Hubert Seipe của kênh ARD (Đức) trước Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Putin cảnh báo những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với Ukraine nếu chính quyền Kiev tiếp tục “nuôi dưỡng” chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài Nga. Trong đó bao gồm cả việc họ tiếp tục gửi quân đội và các đơn vị Vệ binh Quốc gia để tăng cường cho khu vực miền đông.
“Nói thẳng ra, chúng tôi rất quan tâm đến bất kỳ khả năng thanh lọc sắc tộc nào và Ukraine đang dần trở thành một nước theo chủ nghĩa phát xít mới. Sẽ ra sao nếu mọi người đeo biểu tượng chữ thập ngoặc trên cánh tay? Hay biểu tượng SS mà chúng ta thấy trên mũ của một vài đơn vị quân đội hiện đang tham chiến ở miền đông Ukraine? Nếu đây là một đất nước văn minh thì chính quyền đang nhìn đi đâu? Ít nhất họ cũng có thể bỏ bộ quân phục đó hoặc khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc gỡ các biểu tượng đó đi”, Tổng thống Nga cho biết.
Chỉ ra những khó khăn trong khi thực hiện hiệp ước Minsk, ông Putin nói rằng quân đội địa phương có lý do rõ ràng để tiếp tục cố thủ ở các thành phố mà họ đang chiếm đóng: họ sợ bị trả thù. Moscow đang hối thúc cả hai bên tuân thủ hiệp ước.
“Quả thực, lực lượng ly khai được cho là sẽ rời khỏi thị trấn mà họ đang nắm giữ nhưng thực tế lại không làm vậy. Bạn có biết lý do tại sao không? Tôi có thể nói thẳng, chẳng có bí mật nào hết. Những người chống lại quân đội Ukraine nói rằng: “Đây là làng quê mà chúng tôi sinh ra. Gia đình và những người chúng tôi yêu mến đều sống ở đây. Nếu chúng tôi rời đi, những tiểu đoàn theo chủ nghĩa dân tộc sẽ tới và giết tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả, các người có thể tự tay giết chúng tôi”.”
“Đó là lý do chúng tôi lo sợ mọi chuyện sẽ đi đến mức ấy. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một thảm họa đối với đất nước cũng như với người dân Ukraine”, ông Putin nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, quan điểm chỉ Nga mới có thể giải quyết khủng hoảng ở Ukraine cũng như việc có ai đó đang cố tình đùn đẩy trách nhiệm của xung đột này về phía Moscow.
“Tôi thấy rất phiền và lo ngại khi ai đó nói rằng chúng tôi có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nào đó. Tôi bắt đầu nghi ngờ rằng đây là một chủ ý đùn đẩy trách nhiệm để chúng tôi phải trả giá cho một điều gì đó. Chúng tôi không muốn vậy. Ukraine là một nước độc lập, tự do và có chủ quyền”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, ông cũng ám chỉ rằng thực ra chính các nước phương Tây mới có thể thay đổi cục diện ở Ukraine và thuyết phục chính quyền thân phương Tây ở Kiev theo hướng đối thoại quốc gia thay vì tiếp tục đưa xe tăng tới khu vực do ly khai chiếm đóng.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng việc cổ xúy bài Nga ở Ukraine có thể dẫn tới một “thảm họa thực sự” và hối thúc tìm kiếm biện pháp chung để “đưa lập trường đôi bên xích lại gần nhau hơn”.
Nga sẽ không để Kiev dễ dàng đưa quân đội vào miền đông Ukraine nhằm “tiêu diệt” đối thủ của họ ở đó, ông Putin nhấn mạnh.
“Chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề này một cách phiến diện. Đến giờ, chiến tranh ở miền đông Ukraine vẫn chưa kết thúc. Chính quyền trung ương đã gửi quân đội tới đây và thậm chí còn sử dụng cả tên lửa đạn đạo. Có ai lên tiếng về việc này không? Điều này dẫn đến một thực tế rằng các bạn muốn chính quyền trung ương Ukraine tiêu diệt người dân ở đây cũng như tất cả kẻ thù chính trị và đối thủ của họ. Đó là những gì các bạn muốn? Tôi dám chắc không phải vậy. Và chúng tôi cũng sẽ không để điều này xảy ra”.
Binh lính Ukraine đứng cạnh chiếc xe tăng ở gần Donetsk |
Các chính trị gia và truyền thông phương Tây vẫn tiếp tục cáo buộc Nga gửi vũ khí cho ly khai. Moscow phủ nhận điều này nhưng lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng tin cậy nào. Ban đầu, lực lượng ly khai ở Donbass đã được trang bị vũ khí và phương tiện để chiếm các kho quân nhu trong khu vực, nhưng họ cũng đã chiếm được một số vũ khí của quân đội Ukraine. Quân đội Ukraine thường xuyên trong tình trạng thiếu trang thiết bị, và gần đây họ đã bắt đầu nhận viện trợ quân sự từ một vài nước phương Tây.
Ông Putin nhấn mạnh rằng hiệp định Minsk bảo đảm ngừng chiến ở miền đông Ukraine đạt được là nhờ Nga đã thuyết phục được lực lượng ly khai ngồi xuống bàn đàm phán với các đại diện của Kiev.
“Hiệp định Minsk đạt được nhờ sự tham gia tích cực của Nga. Chúng tôi đã làm việc với quân đội Donbass và thuyết phục họ nên đàm phán một số hiệp định. Nếu chúng tôi không làm gì thì điều này đã không thể xảy ra”, Tổng thống Nga cho biết.
Ông nói thêm rằng vẫn còn một vài vấn đề trong quá trình thực hiện những hiệp định này: cả hai phía chưa sẵn sàng tuân theo một số điều khoản. Cả Kiev cũng như ly khai đều không chịu rút khỏi một số thị trấn mà họ đã định sẽ làm vậy. Tuy nhiên, khi đối diện với vấn đề này, ly khai đã nói với Moscow rằng họ không thể rời bỏ vì lo sợ nạn diệt chủng hay sợ rằng gia đình họ cũng như nhiều binh lính đang bị bắt giữ đều sẽ bị giết hại.
Các cáo buộc về bắt cóc, giam giữ trái phép, ngược đãi, trộm cắp, tống tiền và khả năng giết người hàng loạt mà lực lượng ủng hộ chính quyền Kiev gây ra đã được nhiều nhóm quyền lợi báo cáo lại, trong đó có cả Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Nhắc tới những cáo buộc gần đây về việc NATO nhìn thấy Nga kéo quân sang Ukraine, phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Aleksandr Pankin đã nói: “Có vẻ như lực lượng ly khai đã quá sợ hãi nên mới ra sức biện minh cho những thất bại và hành động liên tiếp vận chuyển nhân sự cũng như các trang thiết bị của mình tới tiền tuyến bằng cách lớn tiếng tuyên bố rằng đã nhận được vũ khí và quân đội từ Nga”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.