Tổng thống Obama 'khuyên' châu Á kiềm chế về chủ quyền
Phát biểu của ông Obama tại Hội nghị cho thấy ý định của ông trong việc xử lí quan hệ Trung – Mỹ hiện ngày càng nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại, gián điệp thương mại và các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các đồng minh châu Á của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các nước châu Á kiềm chế trong các cuộc tranh chấp chủ quyền hàng hải. |
“Thông điệp của Tổng thống Obama là cần phải giảm nhẹ các căng thẳng”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes phát biểu khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia kết thúc.
Các nước thành viên tham dự Hội nghị gồm Hoa Kỳ, 10 nước thuộc khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
“Không có lí do để khiến căng thẳng leo thang, đặc biệt là khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới – Trung Quốc và Nhật Bản – cũng tham gia vào các cuộc tranh chấp đó”, ông Rhodes nói.
Theo Reuters, câu phát biểu đầy chất ngoại giao này được đưa ra sau khi chuyến công du 3 ngày của ông Obama tới đồng minh cũ Thái Lan, người bạn mới Myanmar và đồng minh Campuchia của Trung Quốc cho thấy Mỹ mở rộng lợi ích quân sự và kinh tế ở khu vực châu Á.
Hôm 18/11, Philippines buộc tội nước chủ nhà của Hội nghị là Campuchia đã tìm cách dập tắt các cuộc thảo luận về Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc và 4 nước thành viên của ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 5 tháng Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Campuchia để ngăn chặn các cuộc thảo luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 vừa qua với nước chủ nhà là Campuchia đã thất bại và lần đầu tiên khối không đưa ra được tuyên bố chung. Sự kiện đó xảy ra chỉ vài tuần sau khi tàu chiến của Philippines và tàu của Trung Quốc đối đầu nhau trên Biển Đông.
“Tôi cam kết hợp tác với Trung Quốc và tôi cam kết hợp tác với châu Á”, ông Obama nói đồng thời cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có “trách nhiệm đặc biệt” là dẫn đầu sự tăng trưởng bền vững của toàn thế giới.
Còn Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì cho rằng vẫn còn “sự khác biệt và bất đồng giữa hai chúng ta” nhưng những vấn đề đó có thể được giải quyết qua thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng các vấn đề an ninh ngày càng leo thang của châu Á khiến liên minh Mỹ - Nhật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông Noda ám chỉ đến những căng thẳng hiện này do tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và các cuộc tranh chấp hàng hải.
Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong các cuộc tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và với 4 thành viên ASEAN và Đài Loan về Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố rằng cả hai cuộc tranh chấp đều liên quan đến các tuyến hàng hải quan trọng đối với nền kinh tế và muốn giải quyết các cuộc tranh chấp này thông qua các cuộc đàm phán song phương.
Hôm qua, Philippines đã gửi một bức thư phản đối Campuchia sau khi nước này tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí không quốc tế hóa cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông và để các cuộc đàm phán chỉ diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết phái đoàn của ông đã sốc khi một quan chức Campuchia phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra hôm 18/11.
“Đồng thuận có nghĩa là có sự tham gia của mọi người. Tôi có mặt ở đó, Tổng thống (Aquino) có mặt ở đó và chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi không đồng ý vì không có sự đồng thuận nào cả. Tại sao họ có thể nói rằng có sự đồng thuận khi chúng tôi đã khẳng định là không có sự đồng thuận?”, ông Del Rosario phát biểu với các phóng viên.