Tổng thống Mỹ sẽ ra lệnh tiến quân vào Syria?
Nếu ông Obama tham gia vào cuộc họp này, đây sẽ là sự hiện diện đầu tiên của ông cùng với các trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu kể từ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm thứ Tư ở vùng ngoại ô Damascus. Tuy nhiên, có thể đây không phải là buổi thảo luận duy nhất và có được một quyết định nhanh chóng nhất. Các nỗ lực nếu không đạt được sẽ buộc nhóm chuyên gia phải tiếp tục tiến hành thêm nhiều cuộc thảo luận khác.
Hôm 21/8, một lãnh đạo phe đối lập Syria đã cáo buộc các lực lượng của Tổng thống Bashar Assad đã sử dụng khí độc khiến 1300 người chết. Nếu đúng thì đây sẽ là vụ tấn công vũ khí hóa học lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, chính phủ Syria đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.
Washington có những ý kiến bất đồng về phương án đối phó với cuộc tấn công vũ khí hóa học bị cáo buộc đã giết chết khoảng từ 1.000 đến 1.800 người này. Các nhà lãnh đạo quân sự như tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã kêu gọi chính phủ cẩn trọng vì lo sợ Mỹ sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột ở Trung Đông khi hiện vẫn chưa rõ các phe đối lập có ủng hộ lợi ích của Mỹ hay không.
Trong khi đó, những người khác như đại sứ của Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice, lại muốn lới lỏng những hạn chế về việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria.
Các quốc gia khác cũng tỏ ra sôi sục về hành động phi nhân đạo này tại Syria. Các nước ủng hộ Mỹ đã cho rằng lực lượng sử dụng vũ khí hóa học chính là Chính phủ của Tổng thống Assad. Vì thế, hầu hết các quốc gia đều muốn tiến hành chống lại chính phủ nước này bằng vũ lực.
Hôm 22/8, Bộ trưởng ngoại giao Pháp, Laurent Fabius, cho biết nếu chế độ của ông Assad đã thực hiện vụ thảm sát, "chúng ta cần có sự phản ứng từ cộng đồng quốc tế, một phản ứng bằng vũ lực".
Ở London, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định nước Anh sẽ theo đuổi con đường chính trị để chấm dứt đẫm máu, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ lựa chọn bất kỳ phương pháp nào khác để cứu sống những người dân vô tội ở Syria.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu, tuyên bố rằng các cuộc tấn công bằng khí độc thần kinh này đã vượt qua ‘đường giới hạn đỏ’ và chỉ trích việc cộng đồng quốc tế chưa có hành động gì đối với cuộc xung đột hiện nay ở Syria.
Hôm 22/8, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự "quan tâm mạnh mẽ" và kêu gọi làm rõ về việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng Nga và Trung Quốc không ủng hộ những phản ứng cứng rắn đối với xung đột ở Syria từ Mỹ, Anh, Pháp và kêu gọi nhóm điều tra của Liên Hiệp Quốc ở Damascus đến ngay hiện trường của vụ tấn công để điều tra.
Bộ Ngoại giao Nga đã cho rằng quân nổi dậy đã dàn dựng vụ thảm sát để khuyến khích sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng kêu gọi các tổ chức Liên Hiệp Quốc khách quan và chuyên nghiệp để xác định những gì thực sự đã xảy ra ở Syria.