Tổng thống Mali từ chức sau khi bị bắt, Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn
RIA đưa tin, Tổng thống Mali ông Ibrahim Boubacar Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán nghị viện nước này chỉ vài giờ sau khi ông bị các binh sĩ nổi dậy giam giữ ở thủ đô Bamako.
Vắc-xin Covid-19 là cơ hội để ông Putin củng cố ảnh hưởng ở châu Phi?
Theo chuyên gia Damien Glez của tờ Jeune Afrique (Pháp), bất chấp sự hoài nghi của phương Tây về vắc-xin Covid-19 của Nga, các nước châu Phi dường như vẫn quan tâm đến việc phát triển vắc-xin của Moscow.
Theo đó, cuộc binh biến ở Mali nổ ra vào hôm trước tại một căn cứ quân sự gần thủ đô Bamako. Quân nổi dậy tuyên bố bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse.
Tổng thống Mali ông Ibrahim Boubacar Keita. (Ảnh: TASS) |
Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Boubacar Keita nói: “Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu”.
Trước đó, truyền thông địa phương đã đưa tin về cuộc binh biến ở Mali do hai đại tá Dyau và Camara, cũng như tướng Cheick Fantamady Dembele lãnh đạo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án cuộc nổi dậy ở Mali và kêu gọi lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và pháp quyền, cũng như trả tự do cho các nhà lãnh đạo của đất nước. Tổng thư ký LHQ hối thúc tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang và an ninh, giảm căng thẳng và duy trì các quyền cơ bản cho người dân Mali.
Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ quan ngại về tình hình xảy ra. Bộ Ngoại giao Nga cho biết hiện vẫn chưa rõ tình hình ở Mali sẽ diễn biến ra sao.
Cùng ngày, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) bao gồm 15 quốc gia đã quyết định đóng cửa biên giới tất cả các nước thành viên và chấm dứt các thỏa thuận kinh tế với Mali.
Theo truyền thông địa phương, dự kiến, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp trong ngày 19/8 để thảo luận về tình hình Mali theo đề xuất của Pháp và Niger.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cùng Liên minh châu Phi (AU) đã lên án “âm mưu đảo chính” ở Mali sau khi các binh sĩ tham gia binh biến và bắt giữ các lãnh đạo chính trị của nước này.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU ông Josep Borrell cho hay: “Liên minh châu Âu lên án âm mưu đảo chính đang diễn ra ở Mali và khước từ toàn bộ thay đổi nào không phù hợp với Hiến pháp. Đây không phải là cách để phản ứng cho cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đã tác động tới Mali trong những tháng qua”.
Ngoài ra, một số đại sứ quán phương Tây thông báo về cuộc binh biến trong lực lượng vũ trang tại một căn cứ quân sự ở vùng Kati gần thủ đô Bamako. Các nguồn tin cho biết, phe nổi dậy đã bắt giữ một số bộ trưởng và sĩ quan cấp cao. Trong số những người bị bắt có những người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.
Theo LSI Africa, quân nổi dậy có khả năng bắt giữ Bộ trưởng Quốc phòng Mali, Tướng Ibrahim Dahir Dembele.
Thanh Bình (lược dịch)