Tổn thương tinh hoàn ở trẻ nguy hiểm như thế nào?
Hình ảnh phẫu thuật u tinh hoàn ở bé trai. |
Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi rất lo lắng cho vấn đề sức khỏe sinh sản của con trai tôi. Cháu thường xuyên tham gia các trò chơi thể thao như tập võ, đá bóng… Nhiều lần về nhà, cháu hỏi mẹ bị bạn đá vào chỗ kín, cháu thấy đau đớn. Tôi lo lắng nếu con tham gia chơi với bạn bè, nô đùa vào bạn mà không may bị tổn thương ở vùng tinh hoàn thì có nguy hiểm không? Khi bị tổn thương ở “nhà máy tương lai” này cần làm gì?
Tinh hoàn có một vỏ bao rất chắc, nếu chấn thương mạnh như bị trúng “cước” lúc tập võ hay đá banh, làm vỏ bao này bị rách (từ chuyên môn gọi là bể tinh hoàn) thì cháu đau dữ dội, bên tinh hoàn bị bể sưng to rất nhanh, có thể thấy màu da bìu chuyển từ trắng sang đen xì (do máu bên dưới).
Lúc này đưa cháu đi siêu âm sẽ thấy bao tinh hoàn bị rách, máu đầm đìa, buộc phải mổ. Mổ có thể là phải cắt luôn cái tinh hoàn hư nát, hoặc nếu bác sĩ mổ thấy tinh hoàn chỉ bị dập một phần thì bác sĩ sẽ cắt bỏ phần dập đó, giữ lại phần mô tinh hoàn còn tốt, khâu bao lại. Vấn đề là có chắc đứa bé một tinh hoàn có khả năng sinh sản thua đứa bé có một tinh hoàn rưỡi hay không? Hình như là ngược lại, “bé 1 hòn” sẽ đẻ ngon hơn “bé 1,5 hòn”. Sự rắc rối là do “gã tinh trùng”.
Cơ thể người nào cũng có hệ miễn dịch, chức năng của nó là ghi nhận tế bào nào là người nhà sẽ cho sống, còn tế bào nào là kẻ lạ sẽ phải diệt. Hệ miễn dịch chỉ cần một vài năm đầu sau sinh là lập trình xong “ai quen-ai lạ”.
Trong khi đó, trước khi dậy thì, cơ thể bé trai chẳng có con tinh trùng nào hết, hệ miễn dịch chẳng hề biết tinh trùng là ai. Đến khi trẻ dậy thì, cơ thể sản xuất ra tinh trùng thì hệ miễn dịch xem tinh trùng là “kẻ xa lạ” nên tìm diệt. Để tránh bị hệ miễn dịch truy tìm, tinh trùng của một người chẳng bao giờ tiếp xúc với máu (trong đó có các tế bào của hệ miễn dịch).
Khi một trẻ bị bể tinh hoàn, sau nhiều giờ tinh trùng tiếp xúc với máu, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt và tìm diệt không chỉ tinh trùng của bên tinh hoàn bị bể (nếu bác sĩ giữ lại một phần tinh hoàn này) mà cả tinh trùng của bên tinh hoàn bên không bị chấn thương.
Do vậy, nếu trẻ chưa dậy thì (cơ thể chưa có tinh trùng) thì khi bị bể tinh hoàn, các bác sĩ cố gắng giữ lại càng nhiều mô tinh hoàn càng tốt; còn trẻ đang dậy thì mà bị bể tinh hoàn thì có bác sĩ khuyên nên mố cắt bỏ luôn tinh hoàn đó càng sớm càng tốt để tránh hệ miễn dịch tạo ra kháng thể kháng tinh trùng.
Trên thực tế thì hầu như không có bác sĩ nào “mạnh tay” cắt bỏ ngay tinh hoàn bị bể mà luôn cố gắng khâu nối giữ lại mô tinh hoàn còn tốt. Và do đó, khả năng sinh sản của bé 1,5 hòn có thể yếu hơn của bé 1 hòn.
Nhưng nếu mổ thì làm gì là tốt nhất cho cháu bé? Cắt bỏ ngay tinh hoàn bị chấn thương (để cơ thể cháu bé không sản xuất ra kháng thể kháng tinh trùng) hay bác sĩ lấy ra hết mô tinh hoàn bị dập, giữ lại mô tốt (cháu bé có nguy cơ có kháng thể kháng tinh trùng)? Chưa có câu trả lời xem biện pháp mổ nào là tốt nhất cho khả năng sinh sản của bé.