"Tôi mong Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đóng cửa ĐH kém hiệu quả, cho giáo viên phổ thông bầu hiệu trưởng"
Việc PGS.TS Nguyễn Kim Sơn trở thành tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người kỳ vọng tân Bộ trưởng sẽ có các quyết sách mang tính chất thay đổi, bứt phá đưa đến bước tiến cho ngành giáo dục.
Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Đóng cửa trường đại học kém hiệu quả
Trao đổi với Infonet, thầy Lê Đức Vĩnh – nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ rằng ông mong muốn tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ thay đổi về giáo dục đại học.
Theo thầy Vĩnh, hiện nay giáo dục đại học ở nước ta đang theo xu hướng "sản xuất mì ăn liền”, các trường ĐH sống nhờ vào tuyển sinh nên dẫn đến hệ lụy là đào tạo ồ ạt, chất lượng giảm sút. Vì vậy cần chấn chỉnh điều này, dừng việc giáo dục chạy theo thị trường, nhắm mắt cho các trường đào tạo tùm lum.
"Nên mạnh tay đóng cửa một số trường đại học không có năng lực thực sự, các trường ĐH địa phương thì sáp nhập lại để hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, nên tồn tại tách biệt giáo dục tinh hoa và giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay giáo dục tinh hoa và giáo dục nghề nghiệp ở các nước phương Tây được đào tạo tách biệt nhưng ở mình hiện nay đang đào tạo lẫn lộn" - thầy Vĩnh nêu các đề xuất.
Cho giáo viên bỏ phiếu bầu hiệu trưởng
Thầy Lê Đức Vĩnh còn cho rằng cần phải trao thêm quyền cho giáo viên phổ thông, đừng để hiệu trưởng như “ông vua con” một vùng.
"Ngoài ra, theo tôi cần thay đổi lại việc bổ nhiệm hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng không còn từ cấp trên bổ nhiệm xuống nữa mà cho giáo viên bỏ phiếu bầu và công bố công khai, dân chủ tại các trường chứ đừng áp đặt.
Ở đây là bầu có nhiệm kỳ cho hiệu trưởng, bởi lẽ chẳng có ai giám sát hiệu trưởng tốt bằng chính giáo viên của trường đó, có như vậy mới mong hiệu trưởng không lạm quyền" - thầy Vĩnh nhấn mạnh.
Cần có bộ SGK quốc gia
GS. Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhiều vấn đề như thi cử, sách giáo khoa, học trực tuyến… và một số chính sách mới cần phải ban hành để đưa giáo dục vào quỹ đạo. Tất cả đều cần nỗ lực rất lớn ở tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Vấn đề giáo dục phổ thông hiện nay đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, trước hết chương trình và sách giáo khoa phải ổn định. Chỉ cần trục trặc một chút về chương trình, một bộ sách giáo khoa thì hàng trăm trường phổ thông gặp rắc rối.
Cần có bộ sách giáo khoa chuẩn do Bộ GD&ĐT biên soạn chứ không nên thả lỏng, thả nổi như hiện nay, nếu không dễ dẫn đến loạn SGK. Sau đó, các đơn vị khác nếu muốn đổi mới thì cứ viết sách, để sử dụng sách tham khảo, bổ sung cho bộ sách giáo khoa chung của quốc gia.
Theo GS. Phạm Tất Dong, việc thi cử không nên làm quá tốn kém. Hiện nay việc dạy, học trực tuyến đã khá tốt, do vậy cần nghiên cứu sớm đưa thi cử vào trực tuyến sẽ tốt hơn, tránh lãng phí.
Ưu tiên triển khai chương trình mới
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ trưởng GD&ĐT cần ưu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với những khối lớp còn lại thật tốt.
Đầu tiên là giảm bớt áp lực cho giáo viên đối với những công việc vô bổ, không cần thiết, nhất là những cuộc thi nặng tính hình thức, làm tốn thời gian của giáo viên.
Chương trình bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới cần đi vào trọng tâm, dễ tiếp cận bởi thực tế phần mềm tập huấn hiện nay còn dàn trải, giáo viên phải học nhiều nhưng để ghi nhớ lại rất khó, rồi chương trình bồi dưỡng quá dài.
Ngoài ra, việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa phải thật sự thận trọng, cần lắng nghe những góp ý chân thành từ dư luận để tránh tình trạng lặp lại vụ việc đáng tiếc liên quan sách giáo khoa lớp 1 ở năm học 2020-2021 gây hoang mang dư luận.
Xóa sổ bệnh thành tích, giả dối thì mới có chất lượng giáo dục thật
Việc đánh giá trong giáo dục hiện nay phải đánh giá dựa vào sự hài lòng, sự vui vẻ của học sinh chứ không chỉ dựa vào số lượng tỉ lệ học sinh khá, giỏi hay 100% học sinh lên lớp.
Hoàng Thanh