Tòa án buộc báo "dừng đăng tin”: Coi chừng tạo tiền lệ xấu!
Trước đó, ngày 29/12/2016 Báo Giao Thông đăng bài báo “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật”, cho rằng, Công ty TNHH Thành Bưởi “sử dụng xe hợp đồng trá hình”, “lách luật”, “né thuế, phí”. Công ty Thành Bưởi đã khởi kiện Báo Giao Thông tại TAND quận 5 - TPHCM. Vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín” giữa Công ty TNHH Thành Bưởi và Báo Giao Thông được TAND Quận 5 thụ lý ngày 13/2/2017 (số 10/2017/TB-TLVA ).
Sau khi thụ lý vụ kiện, ngày 23/3/2017, theo yêu cầu của phía Công ty TNHH Thành Bưởi, thẩm phán TAND quận 5 Đỗ Thị Ngọc Bích ký Quyết định số 72, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật Tố tụng Dân sự, theo đó buộc Báo Giao Thông không đăng tải các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế, phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” cho đến khi tòa án giải quyết xong vụ án.
Quyết định này đã thu hút nhiều tranh luận trái chiều. Có người ủng hộ, cho rằng đúng, nhưng nhiều chuyên gia về pháp luật, báo chí cũng cho rằng, không thể đánh đồng hành vi chống tiêu cực, theo chức năng thông tin của báo chí với hành vi dân sự. Nếu đánh đồng là hành vi dân sự thì sẽ không thấy được vai trò chống tiêu cực, lên án cái xấu, bảo vệ lợi ích công của báo chí.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng |
Nhìn từ góc độ luật pháp về báo chí, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp HCM), cho rằng, việc tòa án ra quyết định ngăn chặn đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền hạn của báo chí, tạo tiền lệ xấu cho sau này. Hành vi tố tụng đó đã ngăn cản hoạt động tác nghiệp của báo chí trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tiêu cực xã hội.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, thẳng thắn nêu quan điểm: “Việc ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoạt động bình thường của tòa án, tuy nhiên chỉ được áp dụng trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (khoản 2 điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự). Việc tòa án ra căn cứ khoản 12, điều 114 Bộ luật này để buộc báo Giao thông cấm đăng tải trên báo các nội dung liên quan đến phản ánh những vi phạm của công ty Thành Bưởi là trái luật”.
“Điều đó không chỉ không ngăn chặn được những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà còn có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội lớn hơn. Khoản 1 điều 4 Luật Báo chí quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội…”, “thiết yếu” có nghĩa là rất cần thiết và không thể thiếu được. Điểm đ khoản 2 điều luật này cũng quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí là: “…đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.””- Luật sư Hưng lý giải.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, việc tòa án ra quyết định ngăn chặn đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền hạn của báo chí, tạo tiền lệ xấu cho sau này. Hành vi tố tụng đó đã ngăn cản hoạt động tác nghiệp của báo chí trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tiêu cực xã hội.
Những hoạt động nghiệp vụ báo chí chịu sự điều chỉnh của các cơ quan nhà nước về báo chí, được quy định tại điều 7 Luật báo chí: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí; Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí; Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.”
Theo đó, cơ quan báo chí và những người trong đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của Luật báo chí. Tòa án không có quyền can thiệp vào hoạt động báo chí, mà chỉ có thể ra phán quyết về một hoạt động báo chí cụ thể có gây thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân khác hay không? Nếu giao cho tòa án cái quyền này, có nghĩa tòa án quản lý, kiểm soát luôn cả hoạt động báo chí, và trong một số trường hợp báo chí vô hình dung tòa án đang “bảo kê” cho những hành vi vi phạm và tiêu cực xã hội đang diễn ra.