Tố chất cần thiết để theo học ngành mệnh danh “hot nhất mọi thời đại”
Trong những năm qua, Báo chí và Truyền thông luôn được xếp vào 1 trong những “ngành hot nhất mọi thời đại”. Có lẽ vì thế mà ngành này nhận được sự quan tâm của rất nhiều thí sinh và luôn có điểm chuẩn cao.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2020, ngành Báo chí với tổ hợp C00 có điểm chuẩn lên đến 27.5, trở thành ngành học có điểm cao nhất trong mùa tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Với mức điểm trên, không ít thí sinh đạt trên 9 điểm mỗi môn (thang điểm 10) trong tổ hợp C00 (văn - sử - địa) vẫn trượt ngành báo chí đủ cho thấy độ hot của ngành này thế nào.
Không chỉ lĩnh vực báo chí, ngành Truyền thông cũng đang chiếm vị thế rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế – xã hội.
Đơn cử như một công ty muốn tổ chức chiến dịch quảng bá thương hiệu, một doanh nghiệp muốn thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm… đều cần đến chiến dịch truyền thông bài bản.
Vậy thí sinh muốn theo đuổi ngành Báo chí, Truyền thông thì cần những yếu tố nào?
Ảnh minh họa |
TS. Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý, thí sinh phải có kỹ năng tự học tốt vì đây là một kỹ năng cần cho tất cả mọi ngành, nghề ở trường đại học, không riêng gì báo chí, truyền thông.
Ngoài ra, sự thông minh và óc sáng tạo cũng là tố chất quan trọng vì chỉ có đam mê, sáng tạo thì những sản phẩm truyền thông, những bài báo mới thực sự thu hút, mang tính độc đáo, khác biệt.
Cùng với đó, người học cũng cần chủ động học hỏi và trau dồi kiến thức bởi thế giới xung quanh luôn phát triển. Sinh viên luôn phải trau dồi kiến thức để bắt kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực truyền thông, báo chí, vì đặc thù của ngành này là luôn tìm tòi cái mới.
Một tố chất quan trọng không kém là sự kiên trì, nhẫn nại trong công việc, bởi những căng thẳng áp lực trong công việc trước những kết quả không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn.
“Báo chí, truyền thông không đơn giản như những gì các sinh viên thấy trên tivi, mặt báo hoặc qua một sản phẩm truyền thông. Bởi lẽ, sau những tác phẩm long lanh ấy người sản xuất có thể đối diện với rất nhiều khó khăn, áp lực. Điều này có nghĩa là các em phải chịu áp lực, làm việc cường độ cao và luôn phấn đấu hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của mình. Sự áp dụng lý thuyết vào thực tế ở mỗi hoàn cảnh cũng là điều quan trọng”, TS. Phạm Tấn Hạ nói.
Được biết, ở các trường đại học có đào tạo ngành Truyền thông, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để luôn dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ truyền thông không ngừng phát triển này. Có những trường sinh viên sẽ được đào tạo dựa trên chương trình song ngữ với các môn học bằng tiếng Anh chiếm trên 50% thời lượng học tập, tạo cơ hội phát triển tốt nhất cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập giúp sinh viên có lợi thế rất lớn trong nghề nghiệp, nhất là trong lĩnh vực giàu tính cạnh tranh như truyền thông, báo chí.
TS. Phạm Tấn Hạ khuyên thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ ngành mình dự kiến theo học vì việc trải nghiệm 4 năm học đại học có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các bạn. Nếu chọn đúng ngành, sinh viên sẽ học tốt hơn và cảm thấy say mê với quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.
“Các em nên tận dụng tối đa tất cả các phương thức xét tuyển mà mình được sử dụng để có nhiều cơ hội vào ngành học mà mình yêu thích, hãy đặt mã ngành yêu thích nhất ở vị trí số 1 và sau đó là các nguyện vọng tiếp theo. Theo quy chế, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT”, TS. Phạm Tấn Hạ nói.
Năm nay, thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM cần lưu ý là nhiều ngành vẫn có cơ hội trúng tuyển cao nếu xét tuyển vào các ngành thuộc nhóm điểm chuẩn thấp hơn các ngành nêu trên.
Tại Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM, sinh viên có thể đăng ký học song ngành khi vào năm học thứ hai đối với các ngành Báo chí, Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…./.
Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là nghiễm nhiên giành “tấm vé” vào đại học?
“Việc học sinh có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ có thể coi là một lợi thế chứ không phải cứ có chứng chỉ quốc tế rồi nộp vào là nghiễm nhiên trúng tuyển đại học”, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết.
Hoàng Thanh