'Nói không' với trung tâm, mẹ dạy từ số 0 đến thuyết trình tiếng Anh trôi chảy
Hơn 5 tuổi, cô bé Nguyễn Phương Linh (Hà Nội) đã có thể thuyết trình tiếng Anh với phong thái tự tin, khả năng diễn đạt gãy gọn, phát âm chuẩn và có vốn từ vựng dày. Đặc biệt, dù nói rất nhiều nhưng ngữ pháp của Linh vẫn đúng ở từng câu nói.
Hiện tại, Phương Linh đang học lớp 5 ở Trường Tiểu Học Archimedes Academy. Cô bé sở hữu bảng thành tích dày đặc huy chương, giải thưởng, không chỉ ở bộ môn tiếng Anh. Nhưng điều khiến chị Nguyễn Thị Thu Huyền, mẹ của Phương Linh, hài lòng nhất là con có tình yêu với tiếng Anh rất lớn. Để có được những thành tích như vậy là cả một hành trình dài tích lũy và có mẹ đồng hành từ lúc Linh tròn 3 tuổi.
Chị Huyền cho biết, nhận thức được những rào cản đối với các con nếu không có tiếng Anh, ngay từ khi con còn bé, chị đã đi tìm kiếm các trung tâm với dự định sẽ cho con theo học bài bản. Nhưng trong hơn 3 tháng đi tới rất nhiều nơi, không có trung tâm nào đưa ra lộ trình khiến chị cảm thấy phù hợp. Cuối cùng, chị quyết định sẽ tự đồng hành cùng con.
Theo chị, việc học tiếng Anh không thể “đốt cháy giai đoạn” mà cần có lộ trình bài bản và sự quyết tâm. “Có nhiều ý kiến về việc giới thiệu và cho con tiếp xúc với Tiếng Anh từ sớm, khi con được vài tháng tuổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn nên giới thiệu tiếng Anh khi con đã giao tiếp cơ bản tốt bằng tiếng Việt. Khi được “kích hoạt” não bộ, có khả năng quan sát, ghi nhớ, tập trung... việc đón nhận một ngôn ngữ mới với con sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều”, chị Huyền nói.
Lộ trình từ khi con mới làm quen với tiếng Anh đến khi có thể thuyết trình trôi chảy, theo chị Huyền nên chia thành từng giai đoạn.
Giai đoạn tiền mầm non
Bà mẹ này cho rằng, ở bất kỳ giai đoạn nào trong lộ trình, điều quan trọng nhất vẫn là chọn được tài liệu chuẩn, phù hợp với độ tuổi và năng lực của con, bởi lẽ nếu tài liệu không chuẩn bản ngữ sẽ khiến việc sửa phát âm vô cùng khó khăn.
Trong giai đoạn này, chị thường lựa chọn các bài hát đơn giản làm công cụ để giới thiệu tiếng Anh đến con, bởi âm nhạc luôn thu hút trẻ nhỏ và dễ đi vào đầu nhất. Với những bài hát này, chị vẫn khai thác theo lộ trình: nghe, nói, đọc, không viết.
Theo chị Huyền, các bài hát lựa chọn cho con nghe cần theo chủ đề, phát âm rõ và hay. Sau đó, chị lưu vào loa và cho con nghe ngày đêm.
“Tôi thường tra từ khóa theo các chủ đề quen thuộc, chẳng hạn: Supper simple song + colours, numbers 1-10, 1-100, animals (monkey, dog, duck, dog, bear....), shapes, family, little and big... Trong lúc tra từ khóa sẽ ra nhiều kết quả, tôi thường nghe thử xem nhạc bài nào nhộn nhịp, dễ hát một chút vì nếu mình nghe còn không thấy hay, có thể con cũng sẽ không thích”, chị Huyền nói.
Sau đó, con ôm loa nghe ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào có thể. Chỉ sau 1 tháng, con đã thuộc đến 50 – 60 bài hát tiếng Anh đơn giản. Một điều đặc biệt, lời bài hát bao gồm cả câu đầy đủ, câu mệnh lệnh, câu cảm thán nên sau khi thuộc lời, Phương Linh có thể hát vô thức nhiều câu. Vì đây cũng là nguồn nghe duy nhất, câu đơn giản, phát âm rõ nên con được nghe Tiếng Anh chuẩn, do đó nói ra từ nào thường phát âm chuẩn từ đó.
Chị Huyền cho rằng, thời gian nghe vô thức trong bao lâu tùy thuộc vào mỗi đứa trẻ vì khả năng tiếp thu của mỗi trẻ là khác nhau.
Sau giai đoạn nghe vô thức, con bắt đầu bước vào giai đoạn học chủ động. Mẹ sẽ chọn từng bài hát trong danh sách con đã nghe, mở video cho con xem và vận động theo nhạc vài lần để con hiểu nghĩa của những bài hát qua hình ảnh.
“Mẹ tuyệt đối không được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho con và ngược lại. Để tạo cảm hứng cho con, bố mẹ nên làm bạn của con, cùng con xem và vận động theo nhạc”, bà mẹ này nói.
Sau đó, chị tải lời bài hát về, “nhặt” từ vựng trong lời bài hát để làm flashcard cho con học. Với mong muốn giúp con tích luỹ từ vựng cả về mặt hình ảnh và chữ, chị Huyền thường làm flashcard hai mặt, một mặt là hình ảnh, một mặt là chữ để tương tác cùng con.
Với flashcard, chị thường thực hiện tương tác với con qua trò chơi như ném sticky ball, gắp chữ, nhảy lò cò, mua bán flashcard, ú oà, dính dán (dính hình và chữ tương ứng), dập ghim (tìm hình và chữ tương ứng bấm ghim với nhau) và cuối cùng là tráo flashcards trước mặt con để kiểm tra bằng cách hỏi: “What's this?”, “Who's this?”...
Lúc này, con đã nhớ được lượng từ vựng khá nhiều, mẹ sẽ giơ flashcard, nói thành câu, vận động trước mặt con và khuyến khích con nhắc lại. Các câu chị Huyền thường sử dụng chính là lời bài hát đã tải trên mạng.
Chẳng hạn với flashcard “monkey” trong bài “Five little monkey jumping on the bed”, mẹ giơ flashcard trước mặt con và nói chậm kết hợp hành động “five little monkeys jumping on the bed” - dùng tay cho 5 flashcard giả vờ nhảy trên giường. Do con đã thuộc lời bài hát vì được nghe nhiều nên rất dễ dàng bắt chước câu nói này.
Cứ như vậy trong vòng 6 tháng, con chị đã tích luỹ từ vựng và luyện nói bằng cách học thuộc, bắt chước qua các bài hát tiếng Anh.
Giai đoạn mầm non
Sau 6 tháng ôm loa liên tục để tạo môi trường tiếng Anh, tương tác tích luỹ từ vựng, số lượng từ vựng con có lúc này đạt khoảng 200-250 từ. Chị bắt đầu giảm bớt thời lượng nghe các bài hát đơn giản, chuyển sang cho con nghe các tài liệu ở những cuốn sách sẽ dùng để luyện kỹ năng đọc sắp tới.
Việc cho con nghe trước khi đọc, theo chị Huyền, sẽ khiến việc đọc nhẹ nhàng hơn vì từ vựng, các câu con đã nghe quen. Chị thường cho con nghe bất kể lúc nào khi con thức như khi mới ngủ dậy, lúc vệ sinh cá nhân, ăn sáng, trên đường tới trường, khi về học, tắm rửa, chơi tự do... và tắt khi con ngồi học tập trung.
“Trước khi cho con nghe, tôi thường bật cho con các bài hát yêu thích trong vòng 15 phút để “mở” não vì âm nhạc luôn tạo ra cảm xúc phấn khởi, thư giãn, sau đó mới chuyển sang nghe tiếng Anh”, chị Huyền nói.
Về kỹ năng đọc, bà mẹ này chia thành 2 giai đoạn gồm đọc chụp ảnh mặt chữ để nhớ từ và đọc hiểu. Với việc đọc chụp ảnh mặt chữ để nhớ từ, chị thường cho con nghe một lượt từ đầu đến cuối, mở sách tương ứng với phần nghe để con bước đầu hình dung ra nội dung bài nghe qua hình ảnh.
Lúc này, chị cho con nghe từng câu, hướng dẫn con chỉ tay vào từng chữ và nhắc lại. Việc này cần đảm bảo yêu cầu nhắc lại đủ âm cuối, đúng âm như người bản ngữ nói và bắt buộc phải chỉ tay vào chữ để nhớ từ. Hoạt động này con có thể làm từ 2 – 3 lần. Sau đó, con sẽ luyện tự chỉ sách và đọc không cần nghe.
Sau giai đoạn này, lượng từ vựng của con khá nhiều, con đọc càng về sau tốc độ càng nhanh, mẹ sẽ chuyển sang giai đoạn đọc hiểu. Chị Huyền thường cho con sử dụng Razkids level A trở lên, sách Oxford Read and Discover Level 1. “Tôi không dùng nhiều giáo trình mà chắt lọc và khai thác sâu”.
Khi vốn từ vựng của con đã khá, chị Huyền bắt đầu giao tiếp với con bằng những câu đơn giản để con tạo phản xạ. “Tôi luôn cố gắng nói chậm, đúng ngữ pháp để các câu con nói ra đều đúng ngữ pháp”, chị Huyền chia sẻ. Nhờ vậy, hơn 5 tuổi, Phương Linh có thể thuyết trình không nói sai nhiều ngữ pháp, kết hợp với việc nghe giáo trình chuẩn ngữ pháp nên nền tảng nói của cô bé khá vững vàng.
Theo chị Huyền, việc thuyết trình nếu được làm đều đặn hàng tuần sau khi đọc xong mỗi quyển sách, khả năng của con sẽ tăng lên rất nhanh.
Bà mẹ này cũng cho rằng kể cả khi phụ huynh không quá thạo tiếng Anh, tài liệu hiện nay rất sẵn để bố mẹ đồng hành cùng con. “Điều quan trọng nhất, bố mẹ cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng. Trên hành trình phát triển của con, vai trò của bố mẹ rất lớn”, bà mẹ này chia sẻ.