Tình hình Syria mới nhất ngày 8/5
![]() |
Ảnh manh tính minh họa |
Lực lượng khủng bố đã cho nổ tung một xe chở khách trên xa lộ nối Damascus với Al-Suwayda
Kênh truyền hình Surya hôm 7/5 đưa tin một số kẻ khủng bố chưa rõ thuộc tổ chức nào đã cho phát nổ một xe chở khách đang di chuyển từ thủ đô Damascus tới miền Nam Al- Suwayda của Syria.
Theo đó một quả bom do một thiết bị từ xa điều khiển đã phát nổ bên trong xe buýt chở khách. Nhiều người trên xe bị thương. Hiện con số thương vong chính xác trong vụ tai nạn này chưa được công bố.
Được biết khu vực nối giữa Damascus và Al- Suwayda khá là yên tĩnh, hoạt động quân sự nhằm chống lại “Nhà nước Hồi giáo IS” tại đây cũng không được bao phủ rộng rãi.
Các tay súng bị thương sẽ rời khỏi trại tị nạn Yarmouk ở ngoại ô Damascus theo thỏa thuận với chính phủ Syria
Kênh truyền hình Al-Mayadin của Lebanon đưa tin một nhóm các tay súng cực đoan Dzhebhat al-Nusra bị thương sẽ được đưa từ trại tị nạn Yarmouk của người Palestin ở ngoại ô Damascus tới tỉnh Idlib của Syria.
Theo đó quân đội Syria sẽ cung cấp một hành lang an toàn cho quân nổi dậy trong khuôn khổ giai đoạn thứ 3 của thỏa thuận song phương (giữa chính phủ và quân nổi dậy) về 4 thị trấn Foua, Kefraya, Madaya và Zabadani. Ngoài ra 50 tay súng khác sẽ được đi theo hỗ trợ cho các đồng đội bị thương.
Theo thỏa thuận giữa Damascus và một số nhóm vũ trang quân đội Syria sẽ cung cấp những hành lang an toàn để các tay súng cùng gia đình của chúng rút lui để đổi lấy việc sơ tán dân thường ra khỏi 2 thị trấn Foua, Kefraya thuộc Idlib vốn bị quân nổi dậy bao vậy suốt 3 năm qua.
![]() |
Sau khi hoàn thành giai đoạn thứ hai của thỏa thuận hai thị trấn Madaya và Zabadani ở ngoại ô Damascus đã thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của quân chính phủ. Điều này giúp quân chính phủ và các binh sĩ thuộc phong trào Hezbollah của Lebanon giành được quyền kiểm soát một phần lãnh thổ chiến lược quan trọng nằm trên biên giới Lebanon-Syria.
Thị trấn Foua, Kefraya gồm 15.000 cư dân nằm trong vòng vây của khủng bố hơn 3 năm qua. Xuất hiện những báo cáo về số người chết do đói. Ngoài ra có khoảng 2.000 người, trong đó có 400 trẻ em đã thiệt mạng dưới bàn tay của bọn khủng bố.
Người Kurd kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria
Ngày 7/5, người phát ngôn Các đơn vị bảo vệ nữ giới người Kurd (YPJ) Nesrin Ebdullah cho biết lực lượng người Kurd tại Syria đã kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động không kích nhằm vào Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Bà Ebdullah nói: "Chúng tôi muốn được bảo vệ khỏi mối đe dọa từ hoạt động trên không. Chúng tôi đề nghị được đảm bảo rằng chúng tôi sẽ được bảo vệ. Người dân của chúng tôi phải được bảo vệ trước các hoạt động trên không. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Các lực lượng liên quân phải bảo vệ chúng tôi và vùng lãnh thổ mà chúng tôi đã giải phóng. Liên quân (do Mỹ đứng đầu) phải có hành động". Cả YPJ và YPG đều hoạt động như cánh vũ trang của trong Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD), một trong những lực lượng chính trị hàng đầu của người Kurd ở Syria.
Ông Ewwas Eli, một nhân vật cấp cao trong PYD, cũng cho biết người Kurd muốn thiết lập một vùng cấm bay ở miền Bắc Syria. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đưa ra các thỉnh cầu tương tự từ lâu. Chúng tôi muốn có một vùng cấm bay dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bước tiến nào được thực hiện theo hướng này".
Cuối tháng 4 vừa qua, Ankara đã thực hiện một số vụ không kích nhằm vào các mục tiêu YPG ở miền Bắc Syria và tuyên bố sẽ tiến hành thêm các hoạt động chống người Kurd trong tương lai. Thổ Nhĩ Kỳ coi mọi tổ chức của người Kurd có quan hệ với Đảng Công Nhân người Kurd (PKK) đều là các tổ chức khủng bố.
![]() |
Chiến đấu cơ Su-34 của không quân Nga |
Kế hoạch thiết lập các vùng an toàn ở Syria, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/5, là nỗ lực mới nhất trong hàng loạt hành động nhằm làm giảm tình trạng bạo lực kinh hoàng ở quốc gia Trung Đông này.
Theo Tân Hoa Xã, ý tưởng này vốn từ lâu đã được Thổ Nhĩ Kỳ, nước hậu thuẫn chính cho quân nổi dậy ở Syria, nêu ra và cũng được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới. Trong suốt nhiều tháng qua, trước những ý kiến của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về việc thành lập các vùng an toàn này, Chính phủ Syria đã không che giấu sự phản đối của mình. Song Nga, đồng minh chính của Damascus, lại không hoàn toàn phủ nhận ý tưởng này, đặc biệt khi một số quan chức Nga ở Moscow trước đó cũng đã nói về khả năng liên bang hóa Syria nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bình luận phát biểu của ông Trump về việc áp đặt các vùng an toàn ở Syria, cho rằng ý tưởng này nếu là để giúp người tị nạn Syria thì có thể được, song phải có sự đồng thuận của Chính phủ Syria. Nói chung, Damascus không ủng hộ ý tưởng vùng an toàn cũng như ý tưởng liên bang hóa, cho tới gần đây.
Trong vòng đàm phán thứ tư giữa Chính phủ Syria và quân nổi dậy ở Astana (Kazakhstan), Nga đã đưa ra đề xuất thành lập cái gọi là “vùng giảm căng thẳng” ở Syria. Giới quan sát cho rằng vùng giảm căng thẳng thực chất là vùng an toàn, song sự thay đổi ngôn từ có thể là để xoa dịu những lo ngại, sợ hãi của Damascus.
Còn với Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, sự can dự của Nga trong bất cứ thỏa thuận nào đều đáng tin cậy. Và để cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm qua đi tới chấm dứt, những vùng như thế xem ra rất quan trọng để giảm bớt đối đầu giữa quân đội Syria và quân nổi dậy được nước ngoài hậu thuẫn.