Tình hình Syria mới nhất ngày 29/1: Mỹ "dửng dưng", Thổ Nhĩ Kỳ quyết hạ khủng bố
Mỹ đang thi hành “tiêu chuẩn kép” ở Syria
Trong khi nhiều tay súng người Kurd hy vọng Mỹ sẽ giúp đỡ để chống lại cuộc chiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Manbij, thì không ít người cho rằng Washington đang thi hành “tiêu chuẩn kép” sau khi Mỹ không có bất cứ hành động nào ngăn cản “cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ” ở Afrin.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động gần núi Barsaya, tây bắc thị trấn Afrin của Syria. |
“Liên quan tới mối quan hệ liên minh đặc biệt đối với quân đội Mỹ, chúng tôi thấy họ đang thi hành tiêu chuẩn kép. Điều mà chúng tôi yêu cầu Mỹ cụ thể thực hiện toàn bộ lời hứa với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ hậu thuẫn là bảo vệ các khu vực đã được giải phóng bao gồm thị trấn Afrin, khu vực mà chúng tôi đã chiến đấu quả cảm trong 7 ngày qua để ngăn chặn cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ”, một sĩ quan người Kurd mang tên Khalil chia sẻ với RT.
Về phần mình, Mỹ đã không có bất cứ động thái nào sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai “Chiến dịch nhành ô liu” ở thị trấn Afrin. Ankara nhấn mạnh chiến dịch này là nhằm đánh đuổi lực lượng khủng bố ở Afrin.
“Tổng thống Donald Trump đặc biệt quan ngại trước tình hình bạo lực gia tăng ở Afrin vì nó có thể làm ảnh hưởng tới các chiến lược của Mỹ ở Syria. Tổng thống hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ cần thận trọng và tránh những hành động làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa các lực lượng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ”, phát ngôn viên Nhà Trắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Manbij sẽ là mục tiêu tiếp theo trong “Chiến dịch nhành ô liu”. Ông Erdogan cũng nhấn mạnh "quét sạch lực lượng khủng bố" khỏi thành phố Manbij.
Do đó, tình hình hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào việc Mỹ có triển khai quân đội tham gia chiến sự ở Manbij hay không sau khi Washington không có bất cứ động thái nào ở Afrin.
Hơn 2.000 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ ở thành phố Manbij sau khi được triển khai tới khu vực này hồi tháng Ba năm ngoái để ngăn chặn nguy cơ các tay súng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh. Các binh sĩ Mỹ còn đảm nhận huấn luyện và cố vấn cho các tay súng nổi dậy hoạt động tại Manbij.
Trước đó, liên quân do Mỹ đứng đầu đã bắt tay với các tay súng người Kurd để giải phóng Manbij khỏi sự kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Đây chính là lý do khiến phát ngôn viên Hội đồng quân sự Manbij, ông Sharvan Darwish hy vọng quân đội Mỹ sẽ không bỏ mặc Manbij như đã làm ở Afrin.
Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quét sạch khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria
Sputnik đưa tin phát biểu trước đại hội của đảng cầm quyền AK ở tỉnh phía bắc Amasya, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo với những người Syria tị nạn đang sinh sống tại quốc gia này có thể trở về quê hương sau khi toàn bộ lãnh thổ Syria sạch bóng các tay súng người Kurd. Đây vốn là lực lượng bị Ankara xem là mối de dọa khủng bố đối với an ninh quốc gia.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. |
Kể từ khi triển khai “Chiến dịch nhành ô liu” ở thị trấn Afrin vào ngày 20/1, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay đã tiêu diệt 394 tay súng người Kurd và IS. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phá hủy 340 mục tiêu.
Hãng tin SANA của Syria nhấn mạnh, “Chiến dịch nhành ô liu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 86 dân thường thiệt mạng và 198 người khác bị thương. Các cuộc tấn công cũng đã phá hủy nghiêm trọng nhiều công trình dân sự bao gồm khu dân sinh và các địa điểm khảo cổ.
“Chiến dịch nhành ô liu” được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau khi Mỹ quyết định triển khai huấn luyện gây dựng một lực lượng an ninh SDF hùng mạnh với 30.000 quân hoạt động ở khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ.
Hành động của Mỹ được cho nhằm giúp Các Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố và là một chi nhánh của tổ chức Đảng Lao động người Kurd (PKK), mở rộng phạm vi hoạt động. Trong khi đó, PKK đang muốn mở rộng vùng tự trị cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào dân thường và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Mỹ lại phủ nhận thông tin đang gây dựng một lực lượng bảo vệ biên giới hoạt động tại biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Washington, đây chỉ là “sự hiểu nhầm”.
Ankara khẳng định “Chiến dịch nhành ô liu” chỉ nhằm tiêu diệt khủng bố. Moscow cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì tính hợp nhất lãnh thổ của Syria. Trong khi đó, Damascus đã phản đối chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành.