Tình hình Syria 21/1: Nga nêu nhiệm vụ chính trong hòa đàm Syria tại Astana
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. |
Điện Kremlin: Quân đội Syria không từ bỏ kế hoạch giải phóng Palmyra
Phát biểu trước truyền thông hôm thứ Sáu (ngày 20/1) thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, việc tàn phá các di tích ở thành phố Palmyra của Syria là một bi kịch thực sự, nhưng quân đội Syria không hề từ bỏ kế hoạch giải phóng thành phố này cũng như các khu vực khác trên lãnh thổ nước này từ tay quân khủng bố.
Trước đó truyền thông đưa tin các tay súng IS đã phá hủy một công trình tetrapylon cổ đại nổi tiếng thế giới tại Palmyra. Đó là cánh cổng 4 cửa khắc hoa văn với 16 cột đá cao ở phía trên (hình lập phương).
"Những gì đang xảy ra là một bi kịch, một sự mất mát lớn di sản văn hóa thế giới. Những hành động vô nhân đạo của bọn khủng bố vẫn đang tiếp diễn, và tất nhiên, như chúng tôi biết, quân đội Syria không từ bỏ kế hoạch giải phóng thành phố này cũng như tất cả các thành phố khác từ tay quân nổi dậy" – đại diện điện Kremlin nhận định.
Theo đó quân đội Nga đang tiếp tục hỗ trợ quân chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. |
Ngoại trưởng Nga nêu nhiệm vụ chính trong các cuộc đàm phán về Syria tại Astana
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Moscow hôm 20/1 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các điều phối viên tổ chức cuộc gặp về Syria tại Astana không hề áp đặt bất kỳ kịch bản nào cho những bên tham gia đàm phán trực tiếp.
“Liên quan tới kết quả mong muốn trong các cuộc đàm phán (tại Astana) chúng tôi hy vọng trước hết cuộc gặp sẽ tăng cường sự kết nối của phe đối lập vũ trang với tiến trình đàm phán về hòa bình cho Syria. Hiện tại tôi sẽ không đưa ra phỏng đoán về chính xác những gì mà chính phủ và phe đối lập (Syria) sẽ đưa ra thỏa thuận. Chúng tôi không áp đặt bất cứ điều gì” – nhà ngoại giao Nga nhận định khi được yêu cầu bình luận về kết quả mong đợi đối với cuộc gặp diễn ra vào ngày 23/1 tới đây tại Astana.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra các điều kiện để phe đối lập có vũ trang và chính phủ Syria có thể tiến hành đàm phán trực tiếp.
“Nhiệm vụ của chúng tôi cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và tất nhiên là cả đồng nghiệp Kazakhstan và những đại diện của Liên Hợp Quốc, chúng tôi hy vọng chính quyền ông Donald Trump có thể cử một đại diện là chuyên gia về Trung Đông (trong cuộc gặp)tính tới việc Nga và Mỹ là đồng chủ tịch của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria. Chúng tôi cũng hy vọng tất cả đồng nghiệp của mình có thể tạo ra các điều kiện để chính phủ và lực lượng đối lập Syria có thể bắt đầu đàm phán trực tiếp. Chỉ điều này thôi đã là một thành công vô cùng lớn, vì cho tới nay vẫn chưa có cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa chính phủ và phe đối lập” – ông Lavrov tiếp tục.
Trước đó hai nhà lãnh đạo LB Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất về đề xuất các bên tham gia xung đột Syria tiếp tục quá trình đàm phán trên một địa điểm mới ở Astana. Theo Tổng thống Putin đây là nền tảng mới bổ sung cho các cuộc đàm phán Geneva. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cũng ủng hộ sáng kiến này và tuyên bố sẵn sàng cung cấp địa điểm cho các cuộc gặp này.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Assad |
Nga, Syria ký thỏa thuận mở rộng và hiện đại hóa căn cứ Tartus
RIA Novosti đưa tin, Nga và Syria đã ký thỏa thuận mở rộng và nâng cấp cơ sở hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Nga tại cảng Tartus (thuộc Syria). Nội dung văn bản này được công bố chính thức trên cổng thông tin pháp luật của Nga.
Thỏa thuận được ký kết vào ngày 18/1/2017 có hiệu lực trong vòng 49 năm. Giai đoạn này cơ sở của Nga nhận được quyền miễn trừ hoàn toàn khỏi thẩm quyền của Nhà nước Syria.
Nga có thể sẽ tiến hành hoạt động nạo vét khu vực cảng để tất cả các tàu của hạm đội Hải quân Nga có thể đậu tại đây. Họ cũng có quyền sửa chữa, xây dựng và phá dỡ các tòa nhà mà họ đang sử dụng. Ngoài ra Moscow còn có quyền đặt bất kỳ thiết bị nào cần thiết cho việc bảo dưỡng các tàu chiến ở đây.
An ninh bên ngoài khu vực ven bờ ở đây do phía Syria thực hiện, còn phía Nga chịu trách nhiệm bảo vệ ranh giới ngoài biển và khu vực trên không. Ngoài ra Nga có thể sẽ triển khai các trạm gác di động tạm thời ở bên ngoài cơ sở hỗ trợ hậu cần để bảo vệ cảng Tarrus.
Theo đó nếu không ai trong số 2 bên thông báo trước về việc chấm dứt thỏa thuận thì nó sẽ được tự động gia hạn thêm 25 năm nữa.
Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga Andrei Krasov khẳng định cơ quan này sẽ nhanh chóng xem xét thỏa thuận, việc phê chuẩn sẽ không mất nhiều thời gian. Việc ký kết tài liệu này theo ông Krasov là hành động nhằm thể hiện “Nga với tư cách là một đấu thủ địa chính trị, đang quay trở lại Trung Đông”.
Còn người đứng đầu Ủy ban an ninh và quốc phòng thuộc Thượng Viện Nga Viktor Ozerov thì cho rằng mục đích tạo ra cơ sở hỗ trợ hậu cần ở cảng Tartus không nhằm thực hiện các nhiệm vụ quân sự mà để bảo trì các tàu của hải quân Nga ở Địa Trung Hải.
Năm 2017 Liên Hiệp Quốc cần 3,4 tỷ USD để trợ giúp cho người dân Syria còn ở lại trong nước
Sputnik dẫn tuyên bố của điều phối viên các chương trình nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Ali al-Zaatari cho biết, trong năm 2017 Liên Hợp Quốc cần 3,4 tỷ USD để trợ giúp cho những người Syria còn ở lại trong đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
"Chúng tôi đã yêu cầu các quốc gia tài trợ chi 3,4 tỷ USD để trợ giúp cho những người Syria ở trong nước, khoản chi này chưa tính tới con số 4,3 triệu người Syria đăng ký tị nạn ở các quốc gia khác” – đại diện Liên Hợp Quốc xác nhận.
Ông al-Zaatari nói thêm rằng trong năm 2016 khoảng 1,5 tỷ USD đã được chi cho các dự án khác nhau nhằm cứu trợ cho người dân Syria, trong khi Liên Hợp Quốc yêu cầu số tiền là 3,2 tỷ USD
“Riêng tại Aleppo ít nhất 220 triệu USD đã được chi dùng vào năm 2016” – điều phối viên Liên Hợp Quốc tiếp tục. Số tiền này theo ông dùng để cung cấp thực phẩm, nước uống, các vật dụng y tế và giáo dục cho người dân.