Tình hình Syria 19/1: Không quân Nga-Thổ lần đầu “song kiếm hợp bích” chống IS
Chiến đấu cơ Su-34 của Không quân Nga tham chiến chống IS tại Syria. |
Không quân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động chung đầu tiên chống lại IS
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (ngày 18/1) tại Moscow Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga - Trung tướng Sergei Rudskoy tuyên bố, lực lượng hàng không vũ trụ LB Nga cùng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành hoạt động chung đầu tiên nhằm chống lại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo IS” tự xưng ở Syria.
Hoạt động phối hợp với phía quân đội Syria diễn ra ở khu vực ngoại ô thị trấn Al-Bab. Tham gia hoạt động này có 4 tiêm kích Su-24M, 5 tiêm kích Su-25 và một máy bay ném bom Su-34 của Nga, về phía Thổ Nhĩ Kỳ có bốn chiếc F-16 và 4 chiếc F-4 cùng tham gia.
Theo đó trong hoạt động lần này 2 bên đã tấn công vào 36 mục tiêu khủng bố. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tất cả chúng (những chiến đấu cơ) trước đó đã sớm phối hợp thông qua các Bộ tổng tham mưu và Bộ chỉ huy các nhóm hàng không của 2 nước” – ông Rudskoy nói.
Tướng Nga cho biết thêm, kết quả đầu tiên của hoạt động chung giữa 2 nhóm không quân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (ở Syria) được đánh giá cao.
Thổ Nhĩ Kỳ sắp hoàn thành tường rào tại biên giới với Syria
Ngày 18/1, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Veysy Kaynak cho biết nước này đã hoàn tất 2/3 dự án xây dựng tường rào nhằm ngăn chặn sự xâm nhập từ phía nước láng giềng Syria.
Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng đã chặn đứng một vài ý định đào hầm dưới bức tường nêu trên. Theo Phó Thủ tướng Kaynak, toàn bộ dự án trên sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận nhiều sự chỉ trích vì đã không nỗ lực hơn trong việc kiểm soát đường biên giới dài 900 km với Syria, sau khi xung đột nổ ra tại nước này vào năm 2011. Các chiến binh nước ngoài, bao gồm cả các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), phiến quân Syria, người tị nạn và các nhân viên hoạt động nhân đạo thường xuyên đi lại qua đường biên giới này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. |
Ngoại trưởng Nga: Khả năng Mỹ sẽ được mời đến Astana
Phát biểu tại Moscow hôm 18/1 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết thành phần các bên tham gia cuộc gặp tại Astana về Syria sẽ được công bố sau, khả năng tham gia của các bên, trong đó có Hoa Kỳ được xem xét dưới hình thức các lời mời.
“Thành thật mà nói hình thức gửi lời mời sẽ đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên được đề cập trong các thông báo công khai, trong đó có đại diện Hoa Kỳ. Và cuối cùng thành phần các bên tham gia đàm phán tại Astana sẽ được công bố ngay sau khi họ nhận được lời mời, hiện các lời mời đang được gửi đi và chờ hồi đáp chính thức” - ông Lavrov tiết lộ.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Ba (17/1) tuyên bố Tehran phản đối sự hiện diện của Washington trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột Syria tại Astana.
Trước đó hai nhà lãnh đạo LB Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất về đề xuất các bên tham gia xung đột Syria tiếp tục quá trình đàm phán trên một địa điểm mới ở Astana. Theo ông Putin đây là nền tảng mới bổ sung cho các cuộc đàm phán Geneva. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cũng ủng hộ sáng kiến này. Dự kiến các cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 23/1 tại Astana và vào ngày 8/2 tại Geneva.
Các cuộc đàm phán tại Astana sẽ diễn ra trong khuôn khổ định dạng 3 bên -Iran-Thổ Nhĩ Kỳ. Sớm trước đó Tổng thống Nga đã ghi nhận hiệu quả của định dạng này trong việc giải quyết tình hình ở Syria, nhưng cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tính tới lợi ích của những người chơi lớn trong khu vực, như Mỹ chẳng hạn.
Bộ trưởng Quan hệ đối ngoại khu tự trị người Kurd ở Iraq khăng khăng về sự tham gia của người Kurd trong các cuộc gặp về Syria
RIA Novosti dẫn tuyên bố của ông Falah Mustafa Bakir, Bộ trưởng Quan hệ đối ngoại của khu tự trị người Kurd ở Iraq cho hay, người Kurd Syria và Iraq cần được mời tham gia các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột cho Syria, bao gồm cả các cuộc gặp ở Astana.
"Tôi cho rằng tất cả các nước láng giềng, cả người Kurd Syria và Iraq bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Syria cần được tham gia giải quyết xung đột. Vì tình hình tại Syria đã tác động tới chúng ta cả về an ninh và vấn đề nhân đạo. Người Kurd chúng tôi (ở Iraq) đã tiếp nhận 300.000 người tị nạn Syria” - ông Bakir phát biểu khi trả lời câu hỏi của phóng viên rằng người Kurd có cần được mời tham dự đàm phán về Syria ở Astana không.