Tình hình Biển Đông: Tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough tăng đột biến
Hôm 4/9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết máy bay của không quân nước này đã phát hiện số lượng tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện ở Scarborough, ngày càng nhiều kể từ năm 2012 - thời điểm Bắc Kinh chặn đường Manila tiến vào bãi cạn.
"Chúng tôi phát hiện 4 tàu hải cảnh và 6 chiếc tàu khác bao gồm sà lan hoạt động gần bãi cạn Scarborough. Sự xuất hiện của nhiều tàu thuyền bên cạnh tàu hải cảnh là điều vô cùng đáng quan ngại", Reuters dẫn lời ông Lorenzana.
Ngư dân Philippines không thể tiếp cận bãi cạnScarborough do bị tàu thuyền Trung Quốc cản lối. |
Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc ở Manila chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Bãi cạn Scarborough đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với ngư dân Philippines bởi đây là một ngư trường truyền thống với nguồn cá dồi dào. Manila khẳng định việc Trung Quốc chặn lối vào bãi cạn là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo Reuters, sự xuất hiện ngày càng nhiều các tàu thuyền Trung Quốc chặn lối vào bãi cạn Scarborough là điều vô cùng đáng quan ngại bởi hôm 12/7, Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết khẳng định không một quốc gia nào có chủ quyền ở bãi cạn này. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa quốc tế.
Những thông tin mới nhất của Philippines có thể khuấy động bầu không khí thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh khu vực sẽ diễn ra tại Lào vào ngày mai (6/9). Hội nghị lần này sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Về phần mình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài. Tuy nhiên, ông Duterte hứa sẽ không nhắc tới chủ đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong hội nghị tại Lào. Động thái này cho thấy ông Duterte muốn xoa dịu căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc để mở đường đối thoại song phương. Ngoài ra, hồi tháng Tám, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos với tư cách đại sứ đặc biệt đã được cử sang gặp đại diện Trung Quốc ở Hong Kong.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết ngay từ đầu năm nay Bắc Kinh đã đưa thêm các sà lan chở cát tới bãi cạn tuy nhiên chưa có hành động cải tạo đất ở đây. Trước đó, Trung Quốc đã sử dụng các sà lan này để đổ cát và xây dựng trái phép 7 hòn đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
"Chúng tôi không biết liệu những sà lan này có phục vụ hoạt động cải tạo đất hay không nhưng nếu Trung Quốc muốn xây dựng cái gì đó ở Scarborough, tình hình an ninh sẽ có những biến chuyển tiêu cực", ông Lorenzana cảnh báo.
Hôm 4/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington đang kiểm soát tình hình và kêu gọi "các bên hết sức kiềm chế cũng như có động thái hạ nhiệt căng thẳng" trên Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.