Tin thế giới ngày 24/6: Rộ tin Mỹ nghe trộm Tổng thống Pháp
Mỹ
*Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố sẽ đưa xe tăng và các loại pháo hạng nặng đến các nước NATO giáp với Nga, cụ thể là các nước Estonia, Lithuania, Latvia và một số nước ở vùng Baltic. Mục đích của hoạt động này là nhằm đẩy nhanh tốc độ thay phiên binh sĩ Mỹ tại châu Âu, trong khi các nước NATO có biên giới sát với Nga lo ngại nước này sẽ xâm phạm lãnh thổ của họ, dù Nga liên tục phản đối điều này. Nga cũng phản ứng lại rằng, đây là hành động gây hấn nghiêm trọng nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc. |
*Theo một khảo sát được tiến hành bởi hãng tin NBC News và báo Wall Street Journal, bà Hillary Clinton có nhiều người ủng hộ hơn so với các ứng viên khác trong cùng đảng hay khác đảng với bà. Cụ thể, bà có 48% người ủng hộ so với 40% của ông Jeb Bush, đối thủ nặng kỳ trong cuộc đua đến cương vị Tổng thống Nhà trắng. Có 92% số người ủng hộ đảng Dân chủ cho biết họ sẽ bầu cho bà Clinton. Phần lớn người được hỏi cho biết, bà Clinton là một ứng cử viên đáng tin cậy do “kinh nghiệm và xuất thân của bà”.
*Ngày 23/6, WikiLeaks đã công bố các tài liệu báo cáo về hoạt động nghe trộm điện thoại của các quan chức cấp cao Pháp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Trong số những người lọt vào tầm ngắm của NSA có Tổng thống Pháp Francois Hollande và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, Jacques Chirac và các quan chức cấp cao khác. NSA đã từng bị tố giác nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel theo các tài liệu do Edward Snowden tiết lộ, khiến cho quan hệ giữa hai nước trở nên rạn nứt.
Tổng thống Francoi |
*Ngày 24/6, Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc đối thoại chiến lược về những vấn đề chiến lược và kinh tế giữa hai nước. Cụ thể, Mỹ muốn Trung Quốc dừng các hoạt động xây dựng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông bởi nó đã gây nên sự bất ổn trong khu vực. Mỹ cũng đề cao tầm quan trọng của một tuyến đường biển tự do. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nói rằng họ ủng hộ tự do đi lại trên biển và không muốn Mỹ – Trung xung đột. Kết quả của cuộc đối thoại sẽ được công bố trong ngày 24/6.
Ukraine
*Theo chủ tịch đảng Tự cứu của Ukraine, đồng thời là thị trưởng thành phố Lviv, ông Andriy Sadovyi nói rằng làn sóng phản đối chính phủ ở Odessa đang tăng lên. Nguyên nhân là bởi sự túng thiếu và cô lập của khu vực này cũng như tầm ảnh hưởng hạn hẹp của chính phủ. Ông Sadovyi nói rằng chính phủ không nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề này và mong muốn những người đứng đầu vùng Odessa “hãy thực hiện những bước đi nhanh chóng và quyết đoán để củng cố tầm ảnh hưởng trong vùng”.
Làn sóng phản đối chính phủ Ukraine đang ngày một lớn lên tại Odessa. |
*EU khuyên chính phủ Ukraine hãy ban quy chế đặc biệt cho vùng Donbass đúng như quy định trong thỏa thuận Minsk 2.0 được ký vào tháng 2 vừa qua. Một số báo dẫn lời của “một trong những quan chức cấp cao nhất của Ủy ban Châu Âu” rằng: “Ukraine có đang làm mọi thứ để đám ứng yêu cầu được đề ra trong hiệp ước Minsk hay không? Tại sao chính phủ không tiến tới việc cấp quy chế đặc biệt cho vùng Donbas? Điều này có thể được tiến hành ngay lập tức, qua đó khẳng định quyết tâm thực hiện hiệp ước Minsk”.
Pakistan
*Kể từ khi đợt nắng nóng khủng khiếp bắt đầu từ ngày 20/6 tại thành phố Karachi, số người tử vong vì cái nóng đã lên đến 748 người và con số còn có thể tăng lên trong thời gian tới. Tại Karachi, nhiệt độ đo được có lúc lến đến 44,8 đô C, mức cao nhất tại Pakistan trong vòng 15 năm qua. Đợt nắng nóng cũng diễn ra đúng vào tháng ăn chay Ramadan, do đó hậu quả trở nên nặng nề hơn.