Tin thế giới ngày 20/4: Mỹ tiếp tục điều máy bay đến bán đảo Triều Tiên
Mỹ đưa máy bay phát hiện hạt nhân tới Bán đảo Triều Tiên |
*Ngày 20/4, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nguồn tin giấu tên của chính phủ Hàn Quốc cho biết không quân Mỹ đã điều một chiếc máy bay WC-135 có khả năng phát hiện hạt nhân tới khu vực phía Đông của Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh có khả năng Triều Tiên sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Nguồn tin trên tiết lộ chiếc máy bay đặc dụng này của Mỹ đã có chuyến xuất kích khẩn cấp trên vùng biển phía Đông của khu vực với nhiệm vụ thu thập mẫu không khí để phát hiện và xác định các vụ nổ hạt nhân. Chiếc máy bay trên đã tới căn cứ không quân Kadena ở Okinawa của Nhật Bản hồi đầu tháng này.
*Ngày 20/4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, cho rằng Anh sẽ thiệt hại nhiều hơn EU sau quyết định rời khỏi khối nước này, đồng thời cảnh báo các cuộc đàm phán sắp tới với London sẽ rất khó khăn.
Phát biểu với các sinh viên tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, bà Mogherini cho biết: “Nước Anh sẽ phải từ bỏ những thứ thuộc về một cộng đồng. Chúng tôi sẽ mất một quốc gia thành viên quan trọng. Với tôi, tất cả các nước thành viên đều quan trọng như nhau, dù một nước có thể đóng góp vào một số chính sách nhiều hơn các nước khác. Song tôi nghĩ rằng Anh sẽ mất mát nhiều hơn so với chúng tôi”.
*Đại diện thường trực Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), ông Alexander Shulgin, cho rằng các quốc gia phương Tây không muốn điều tra thỏa đáng vụ việc được cho là có khả năng sử dụng các vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib của Syria.
Ông Shulgin cho biết trong cuộc họp của Hội đồng điều hành OPCW ngày 19/4, Nga và Iran đã đưa ra dự thảo đề xuất sửa đổi về việc tiến hành cuộc điều tra vụ việc tại Idlib. Tuy nhiên, Mỹ đã phản đối đưa phái bộ phát hiện vũ khí hóa học Syria đến sân bay Shayrat với lý do phái bộ này "không có gì để làm trong tình huống này". Phái đoàn Mỹ đã phản đối cho phép bất cứ chuyên gia nhà nước nào tham gia công việc của phái bộ này và cáo buộc Nga đẩy cuộc điều tra nêu trên vào bế tắc.
Cảnh hoang tàn tại Syria. |
*Theo hãng thông tấn Yonhap, Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn ngày 20/4 đã ra lệnh cho quân đội nước này tăng cường khả năng sẵn sàng giáng trả “ngay lập tức” bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo này phát biểu tại một cuộc họp với các vị bộ trưởng: “Tôi kêu gọi quân đội theo dõi chặt chẽ khả năng Triều Tiên tiến hành các hành động khiêu khích và tăng cường khả năng sẵn sàng giáng trả ngay lập tức”.
*Ngày 19/4, Cố vấn Tổng thống Syria Buthaina Shaba'an cho biết Nga - đồng minh chủ chốt của chính phủ nước này - đã cam kết với Damascus rằng sẽ không để tái diễn các vụ tấn công của Mỹ nhằm vào các cơ sở quân sự của Syria.
Bà Shaba'an đưa ra thông tin trên khoảng 2 tuần sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở miền Trung Syria để trả đũa một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bị Mỹ và Phương Tây cáo buộc là do quân đội Syria tiến hành tại một thị trấn do quân nổi dậy kiểm soát thuộc tỉnh Idlib.
*Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc Viện khoa học Nga, ông Valery Garbuzov cho rằng trong năm nay những mong đợi về bước đột phá trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa Liên bang Nga và Hoa Kỳ (cho dù đó là vấn đề Syria, Ukraine, hay các biện pháp trừng phạt chống Nga) có thể sẽ không xảy ra.
*Trong khi đó, hôm 19/4, tờ Washington Post cho biết, mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc xây dựng một mối quan hệ tốt với Nga, rõ ràng đã bị chính các thành viên trong chính quyền của mình ngăn cản.
Tờ báo nhắc lại rằng trong suốt chiến dịch của mình, ông Trump liên tục tuyên bố cần thiết phải cải thiện quan hệ giữa hai nước. Sau lễ nhậm chức, ông vẫn không thay đổi suy nghĩ của mình. Ngay cả tuần trước, trên trang Twitter vị nguyên thủ quốc gia này viết, rằng trong "thời điểm thích hợp", Nga và Hoa Kỳ sẽ hòa thuận và "hòa bình sẽ đến".
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Putin |
*Cơ quan An ninh Ukraine SBU cho biết ngay trước ngày lễ Phục Sinh đã ngăn chặn thành công một vụ khiêu khích ở Odessa, và cáo buộc Nga tham gia tiến hành chuẩn bị cho vụ khiêu khích này.
Người đứng đầu SBU, ông Aleksandr Tkachuk thông báo, kế hoạch "tạo phản đối giả" của dân tộc Bungaria sống trong khu vực đã được chuẩn bị tiến hành tại thành phố này… Đọc chi tiết tại đây.
*Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội của Le Monde, cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp và thủ lĩnh đảng “Mặt trận dân tộc” Marine Le Pen vẫn đang duy trì được vị thế dẫn đầu trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp. Trong vòng 2 của cuộc bầu cử này, Le Monde dự đoán ông Macron sẽ là người giành chiến thắng.
Được biết, vòng 1bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra ngày 23/4 tới đây. Vòng 1 sẽ lựa chọn ra 2 ứng cử viên tiếp tục tham gia vòng 2 được tổ chức vào ngày 7/5. Vòng 2 sẽ xác định ứng cử viên chiến thắng và trở thành Tổng thống Pháp.