Tin thế giới 4/1: Nga - Trung không tin nhau, Mỹ - Triều vẫn đối đầu
Vụ QZ5801:
*Bắt đầu từ thứ Hai (5/1), Bộ giao thông Vận tải Indonesia sẽ điều tra toàn bộ lịch trình chuyến bay của hãng Indonesia AirAsia sau thảm kịch hôm 28/12/2014, cướp đi sinh mạng của 162 người gồm hành khách và phi hành đoàn.
Ông Djoko Muratmodjo, Cục trưởng Cục vận tải Hàng không, thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho hay: "Chúng tôi sẽ điều tra tất cả lịch trình chuyến bay của AirAsia. Hy vọng chúng tôi có thể bắt đầu vào thứ Hai tới. Chúng tôi sẽ không tập trung vào giấy phép, mà chỉ xem xét lịch trình bay".
Nhóm cứu hộ của Indonesia và Singapore cùng tham gia tìm kiếm các mảnh vỡ và thi thể hành khách trên chuyến bay QZ5801. |
*Lực lượng cứu hộ hôm 3/1 đã tìm thấy 4 mảnh vỡ lớn từ chuyến bay xấu số QZ8501 chở theo 162 hành khách gặp nạn hôm 28/12/2014, hiện đang nằm dưới đáy biển.
Tuy nhiên, ông Supriyadi, một quan chức trong nhóm cứu hộ hoạt động tại cảng Pangkalan Bun tại đảo Borneo cho hay tầm nhìn hạn chế đã cản trở thiết bị điều khiển từ xa hoạt động dưới nước chụp lại hình ảnh các vật thể.
“Tầm nhìn hiện nay chỉ là 2 m. Trời nhiều mây, khiến các máy camera không thể phát hiện vật thể nằm dưới lòng biển”, ông Supriyadi nói.
*Theo những thông tin rò rỉ từ văn bản được Cơ quan Khí tượng Indonesia (BMKG) chính thức trình lên Bộ trưởng Giao thông nước này, ông Ignatius Jonan hôm 31/12/2014, phi công lái chuyến bay QZ8501 đã không nhận được bản báo cáo dự báo thời tiết trước thời điểm cho máy bay cất cánh.
“Hãng AirAsia nhận được bản dự báo thời tiết của BMKG vào lúc 7 giờ sáng ngày 28/12”, người đứng đầu BMKG, ông Andi E. Sakya cho biết.
Trong khi đó, chuyến bay QZ8501 đã khởi hành từ sân bay quốc tế Juanda tại thành phố Surabaya vào lúc 5h35 cùng ngày.
Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas), ông Bambang Soelistyo phát biểu tại cuộc họp báo chiều hôm 4/1 cho hay tàu hải quân Singapore RSS Persistence đã tìm thấy thêm 1 thi thể. Hiện tổng số có 31 nạn nhân đã được trục vớt từ biển Java.
Ngoài ra, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy mảnh vỡ thứ 5 của chiếc máy bay QZ5801 với kích thước 9,8 x1,1 x0,4m.
Ukraine:
*Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã gọi ông Arseny Yatsenyuk là “Thủ tướng thích chiến tranh” bởi ông Yatsenyuk không muốn có một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc chiến tại miền đông Ukraine.
Thủ tướng UkraineArseny Yatsenyuk (người đứng). |
Theo ông Zeman, Thủ tướng Yatsenyuk muốn giải quyết cuộc chiến tại miền đông Ukraine “bằng vũ lực”. Ngoài ra, những chính sách hiện thời của giới chức Kiev mang tính “hai mặt”. Mặt thứ nhất thuộc về Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, nhân vật “đang muốn trở thành con người của hòa bình”. Mặt thứ hai là Thủ tướng Yatsenyuk, người nhất quyết theo đuổi chính sách đối đầu với lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine.
Trung Quốc:
*Giới chức Trung Quốc đang đề xuất việc áp dụng quy định hạn chế các phương tiện tham gia giao thông theo từng vùng nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay.
Hoạt động kiểm soát xe cộ tại Trung Quốc sẽ buộc giới chức nước này đưa nhiều biện pháp đồng bộ như cải thiện chất lượng xăng dầu và điều tiết lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Kể từ năm 2012, chính quyền trung ương và địa phương tại Trung Quốc đã chi khoảng 292 triệu USD để đầu tư cho hệ thống cơ sở kiểm soát chất lượng không khí trên toàn quốc.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thủ đô Bắc Kinh. |
*Dù Mỹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bấy lâu nay của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn quyết tâm thay đổi chính sách ngoại giaođể hiện thực hóa tham vọng thay đổi trật tự cơ bản thế giới.
*Theo cách Bắc Kinh thể hiện, quyền lực mềmcó nghĩa là thế giới phải tôn trọng họ, phải coi Trung Quốc là một nước lớn, không chỉ trích họ, báo chí không nói xấu họ và mở cửa thị trường cho Trung Quốc.
Dù đã nỗ lực rất nhiều và tiền của cũng đã đổ ra không ít nhưng đến giờ này, có thể nói Trung Quốc đã thất bại thảm hại trong việc xây dựng cái gọi là “quyền lực mềm” trên bàn cờ quốc tế.
Nga – Trung Quốc:
*Dù nền kinh tế Nga đang lâm vào khủng hoảng do đồng nội tệ và giá dầu thế giớicùng rớt giá, nhưng Tổng thống Putin sẽ không nhờ vả Trung Quốc nếu như Moscow vẫn tự tìm ra lối thoát cho mình.
Nếu ông Putin kêu gọi sự hỗ trợ từ Trung Quốc, danh tiếng của Tổng thống Nga chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng. |
Tuy nhiên, dù đồng rúp đã giảm mất gần một nửa giá trị và dòng vốn đầu tư chảy khỏi Nga lên tới 120 tỷ USD, Nga vẫn chưa kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ tiền tệ. Điều này cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xây dựng cho mình một chiến lược riêng để đối phó với những vấn đề khó khăn hiện nay.
Triều Tiên:
*Triều Tiên đã lên tiếng phản đối kịch liệt các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ đưa ra hôm 2/1, và gọi đây là chính sách thù địch và đàn áp của Washington.
Mỹ và Triều Tiên vẫn liên tiếp đối đầu nhau. |
"Chính sách mà Mỹ đang kiên trì theo đuổi nhằm đàn áp Triều Tiên, làm khuấy động sự bất ổn một cách vô căn cứ, sẽ chỉ đẩy mạnh ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Bình Nhưỡng", hãng thông tấn KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên.