Tin thế giới 2/9: Poroshenko bị phản đối, miền Đông Ukraine im tiếng pháo
Ukraine
*Theo hãng thông tấn Đức DWN, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã không thể kiếm soát được nhóm cánh hữu ở quốc gia này và “thuyết phục các thành phần bài Nga đứng về phía mình”. Vụ bạo động diễn ra bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Kiev được cho là tiến hành bởi một đảng cực hữu lớn của nước này. Họ biểu tình phản đối việc chính phủ đồng ý sửa đổi hiến pháp, qua đó công nhận quyền tự trị của miền Đông Ukraine.
Mặc dù đây là một trong những điều kiện được nêu ra trong hiệp ước hòa bình Minsk, được thiết lập vào tháng 2 năm nay, sự phản đối của các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc của Ukraine sẽ khiến ông Poroshenko khó lòng thực hiện chính sách hòa bình.
Một binh sĩ quân ly khai trên đường phố ở Donetsk (Ukraine). |
*Từ ngày 1/9, quân chính phủ Ukraine và quân ly khai thân Nga ở miền Đông đã chủ động đình chiến do đây là thời điểm khai trường ở Ukraine. Phía Kiev khẳng định trong 24 giờ qua không một binh sĩ nào bị thiệt mạng hay bị thương. Trong khi đó, lại có thêm 2 vệ binh Ukraine nữa thiệt mạng sau khi bị thương quá nặng trong cuộc bạo động ở Tòa nhà Quốc hội.
Việc Quốc hội Ukraine thông qua việc trao quy chế đặc biệt cho miền Đông không chỉ vấp phải sự phản đối ở bên ngoài, mà rất nhiều nghị sĩ thân phương Tây bày tỏ ý không tán đồng.
Mỹ
*Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Nga và Trung Quốc hiện đang xây dựng cơ sở dữ liệu các thông tin thu thập từ các cơ quan và công ty của Mỹ, cho phép các nước có thể nhận dạng, xác định, đe dọa hoặc tuyển mộ người Mỹ để làm việc cho họ. Ngoài ra, mục tiêu của các hacker là nhằm tìm hiểu phạm vi hoạt động tình báo của Mỹ, khiến họ không thể che giấu các hoạt động bí mật của mình. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào có liên quan đến các vụ việc xâm nhập hệ thống mạng của các tổ chức của Mỹ.
Binh lính Mỹ kiểm tra bom tại căn cứ không quân ở Qatar. |
*Mới đây, một số quan chức Mỹ tiết lộ CIA và Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã vào cuộc nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Họ sẽ tiến hành tìm kiếm các mục tiêu quan trọng của IS, sau đó bí mật tiến hành không kích tại Syria. IS đã trở thành mối đe dọa lớn nhất của Mỹ vào thời điểm hiện tại, vượt trên cả al-Qaeda và có mạng lưới rộng lớn, vững mạnh hơn bất kỳ tổ chức khủng bố nào mà Mỹ từng đối đầu. Nhiều quan chức đã bày tỏ sự thất vọng khi các cuộc không kích của Mỹ và các nước đồng minh không thể làm tổ chức này suy yếu đi.
Nga
*Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo? Đó là điều mà các nước phương Tây đang lo ngại. Cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, và nhiều quan chức châu Âu tin rằng Nga vẫn có thể tiến hành một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh mới, khi tầm ảnh hưởng của nước này đối với Đông Âu vẫn còn. Theo họ, ông Putin có thể đưa cuộc xung đột Ukraine đến hồi kết, hoặc sẽ khiến căng thẳng leo thang.
Trong khi đó Nga vẫn đề ngỏ nối lại quan hệ với Mỹ, lý do có thể là bởi nền kinh tế Nga đang yếu kém do cấm vận và giá dầu giảm. Không ai có thể đoán trước được kế hoạch mà ông Putin và các cố vấn cấp cao Nga trong tương lai sẽ là gì.