Tin thế giới 2/5: Hệ thống THAAD sẵn sàng đánh chặn tên lửa Triều Tiên
![]() |
Hệ thống tên lửa THAAD |
*Ngày 2/5, Trung Quốc đã kêu gọi dừng ngay lập tức Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) gây tranh cãi mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc vài giờ sau khi Washington khẳng định THAAD hiện nay đã đi vào hoạt động tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Quan điểm của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, hối thúc các bên liên quan dừng ngay lập tức việc triển khai này. Chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng tôi".
*Ngày 1/5, Nhà Trắng tuyên bố các điều kiện hiện tại chưa thích hợp để Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Triều Tiên sẽ cần phải làm sáng tỏ nhiều điều kiện trước khi một cuộc gặp nói trên có thể được tính đến.
Sau khi Tổng thống Trump nói với hãng tin Bloomberg rằng ông sẽ lấy làm vinh dự gặp gỡ với ông Kim, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã nhấn mạnh với báo giới rằng Mỹ sẽ cần phải nhìn thấy thái độ khiêu khích của Triều Tiên giảm xuống ngay lập tức. Tuy nhiên, ông Spicer nói: "Những điều kiện rõ ràng hiện không có ngay lúc này".
*Một trong những chuyên gia có uy tín về vấn đề bán đảo Triều Tiên, Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á của Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Georgy Toloraya cho rằng tình hình quốc tế hiện nay cho phép Nga đóng vai trò quan trọng giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới Nga, chuyên gia này nhận định: "Nga có những ưu thế ngoại giao nhất định vào đúng lúc này, trong bối cảnh mọi việc đang diễn ra một cách hỗn loạn và không mấy rõ ràng". Ông Toloraya nhấn mạnh sự cần thiết của việc đối thoại với tất cả các bên, đặc biệt là với Hàn Quốc càng sớm càng tốt ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống tại nước này kết thúc và tình hình trở lại bình thường.
![]() |
Ứng viên Tổng thống Pháp Macron |
*Ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa đưa ra lời cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải tiến hành cải cách, nếu không sẽ phải đối mặt với viễn cảnh Pháp rời khỏi liên minh(còn gọi là Frexit).
Trả lời kênh BBC, ông Macron khẳng định mình là người ủng hộ châu Âu và luôn bênh vực "ý tưởng châu Âu" cũng như các chính sách của EU trong quá trình vận động tranh cử, bởi ông tin rằng điều này vô cùng quan trọng với người dân Pháp. Tuy nhiên theo ông Macron, một nửa nước Pháp đang "căm ghét ý tưởng châu Âu".
*Ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen tuyên bố bà muốn thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một "liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền".
Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, bà Le Pen nhấn mạnh: "Tôi là một người châu Âu, nhưng tôi không muốn duy trì cấu trúc chính trị của EU hiện nay. Dù được gọi là Liên minh châu Âu nhưng liên minh này đã hoàn toàn đi lệch phương hướng. Có lẽ chúng ta sẽ tìm cho nó một cái tên mới, một châu Âu mới của các dân tộc và sự hợp tác. Ví dụ như một liên minh cho phép các nước thành viên tham gia vào những dự án không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của họ, do vấn đề chính của EU hiện nay là liên minh này đã quá độc đoán".
![]() |
Tổng thống Nga Putin |
*Ngày 1/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ký sắc lệnh sa thải hàng loạt tướng lĩnh đang công tác tại Bộ Tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga và Cơ quan Thực thi hình phạt liên bang Nga (FSIN).
Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin được đăng trên trang mạng pháp lý chính thức của Nga, Trung tướng Vladimir Artamonov bị cách chức Thứ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp và Thiếu tướng Sergei Vorontsov mất chức Phó Giám đốc Trung tâm quản lý các tình huống khẩn cấp thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin còn cách chức một số lãnh đạo thuộc Cục khu vực thuộc Ủy ban Điều tra LB Nga và FSIN.
Trong danh sách này có Cục trưởng Cục Điều tra phụ trách tỉnh Ulyanovsk, Thiếu tướng Aleksei Evdokimov; Cục trưởng Cục Điều tra phụ trách tỉnh Rostov, Thiếu tướng Yuri Popov; Lãnh đạo Ủy ban Điều tra Cộng hòa Yakutia, Thiếu tướng Oleg Mezrin; Cục Phó thứ nhất Cục Điều tra thuộc Ủy ban Điều tra Cộng hòa Bashkiria, Đại tá Rim Gabdullin.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin ngày 9/3 cũng đã ký sắc lệnh bãi nhiệm đối với 10 tướng lĩnh đang công tác tại Bộ Nội vụ, FSIN và Ủy ban Điều tra liên bang Nga.
*Ngày 1/5, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong ngày 2/5. Đây sẽ là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga lên án các vụ không kích của Mỹ nhằm vào Syria hồi tháng trước.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng, Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin sẽ có cuộc điện đàm vào 4 giờ 30 phút chiều (giờ Mỹ). Đây là cuộc điện đàm thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga kể từ khi ông Trump lên cầm quyền hồi tháng 1/2017.
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi ông Putin miêu tả vụ không kích của Mỹ nhằm vào một căn cứ không quân của Syria là “hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế”. Nguồn tin không tiết lộ nội dung hội đàm giữa hai bên.
*Rơi máy bay quân sự tại Colombia, 8 người thiệt mạng. Ngày 1/5, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết một chiếc máy bay quân sự đã đâm vào một ngọn đồi ở miền Trung nước này, khiến 8 người thiệt mạng. Trên mạng xã hội Twitter, ông Santos đã bày tỏ lời chia buồn với thân nhân những người gặp nạn. Vụ tai nạn xảy ra ở khu vực phía Tây thủ đô Bogota, giữa hai thị trấn Facatativa và Zipacon.
Chiếc máy bay gặp nạn thuộc loại Cessna Caravan một động cơ cánh quạt, có thể chở tối đa 14 người. Chiếc máy bay này xuất phát từ căn cứ không quân Guaymaral ở phía Bắc thủ đô Bogota để đến khu vực Tolemaida.